loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namno tại Attapeu (Lào) bắt đầu từ tối 23/7. Rất nhanh, nước lũ đã đổ xuống vùng dân cư lân cận, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà. Trong biển nước ấy, hàng chục người chết hoặc mất tích, hàng ngàn người bị ảnh hưởng.
Tất yếu, thảm họa kinh hoàng ấy khiến chúng ta đặt câu hỏi về tác động tiêu cực của nó tới Việt Nam – khi hàng tỷ khối nước từ đây sẽ dồn xuống sông Mê Kông và đổ ra đồng bằng sông Cửu Long. Rồi, kèm theo đó là hàng loạt câu hỏi về sự an toàn của những người Việt Nam đang sống và làm việc tại vùng ngập nước ở nước bạn.
Nhưng, sự lo lắng ấy không có nghĩa là chúng ta chỉ biết nghĩ về những chuyện thiết thân với mình trong đại họa.
Cùng với những lời thăm hỏi và chia sẻ (mà các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã chuyển tới Chính phủ Lào ngay trong ngày 24/7), hàng loạt động thái nhằm hỗ trợ quốc gia láng giềng đã được Việt Nam triển khai trong 2 ngày qua...
Đơn cử, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hữu nghị Nam Lào thuộc Quân khu 5 cử 10 cán bộ, y, bác sĩ và hàng trăm cán bộ, nhân viên tham gia khắc phục hậu quả; ủng hộ 200 triệu đồng Việt Nam để mua vật chất cứu trợ ban đầu; chỉ đạo Đội K53 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum) đang làm nhiệm vụ tại Lào đến hiện trường phối hợp với các lực lượng của bạn để tổ chức tìm kiếm người mất tích và giúp nhân dân khắc phục những thiệt hại ban đầu. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất sẵn sàng cơ động khi có lệnh của Bộ để phối hợp với các lực lượng của bạn khắc phục hậu quả.
Theo báo cáo của đại tá Lê Hồng Quang, Phó trưởng Phòng phòng chống thiên tai thuộc Cục Cứu hộ - cứu nạn, Bộ Quốc phòng, trong ngày 25/7, Quân khu 5 đã triển khai lực lượng và đưa một số trang thiết bị sang Lào tham gia tổ chức cứu hộ cứu nạn. Sau khi khắc phục xong sẽ bàn giao các trang thiết bị để hỗ trợ nâng cao khả năng cứu hộ cứu nạn cho nước bạn Lào.
Tương tự, cùng các mặt hàng nhu yếu phẩm gửi sang Lào, 10 bác sĩ, y tá giỏi của tập đoàn HAGL cũng đã bay tới đây để tham gia cứu chữa nạn nhân.
***
Những gì được chúng ta thực hiện, và đang thực hiện, diễn ra một cách tự nhiên và tất yếu. Đó là sự chia sẻ, thậm chí là nghĩa vụ mà người Việt luôn tự đặt ra với người bạn Lào. Đó là câu chuyện của 2 quốc gia như 2 anh em ruột thịt đã cùng song hành, cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau ở những bước đi quan trọng nhất của lịch sử hiện đại.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Trong những ngày tới, người viết tin chắc, những san sẻ và hỗ trợ mà Việt Nam dành cho những người bạn Lào của mình sẽ còn lũy tiến theo cấp số nhân. Bởi, người Việt không xa lạ với những gì mà người dân Attapeu đang trải qua.
Trong lịch sử, chúng ta may mắn chưa gặp phải một đại thảm họa về thủy điện như người bạn láng giềng. Nhưng, thiên tai và lũ lụt, lại là những thảm họa thường trực mà người Việt phải sống chung kể từ khi dựng nước.
Không nói đâu xa, chỉ vài ngày trước thảm họa thủy điện tại Attapeu, mưa lũ tại Yên Bái đã làm nhiều hộ dân ở các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Trạm Tấu... thiệt hại nặng nề - trong đó có 10 người chết và mất tích.
Rồi, cũng chỉ hơn một tháng trước, đợt mưa lũ tại Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang... cũng khiến hàng trăm người dân mất hết nhà cửa, trong đó có 23 người thiệt mạng. Và, nếu phải kể từ đầu năm 2018 này, theo thống kê, thiên tai trên toàn quốc đã làm 110 người chết và gây thiệt hại gần 3.600 tỉ đồng.
Cùng cảnh ngộ, chắc chắn, những người đã trải qua nỗi đau sẽ dễ dàng để cảm thông và sẻ chia với nhau nhiều nhất.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, 3 ngày sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepien Xenamnoy ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, chính quyền các cấp của Lào đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cứu hộ người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố trên.
Anh Bảo
loading...