loading...
(Thethaovanhoa.vn) – Nhân vật quái gở Tùng Sơn "Công chúa Thủy Tề" đang gây sốt trên mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi. Sau những câu chuyện của Lệ Rơi, Thánh Củ Tỏi, Công chúa Happy Polla... thì ai cũng biết, đằng sau họ là một bàn tay nào đó nhào nặn.
Fanpage của
Công chúa Thủy Tề đã đổi thành TungSonOffical như một sự khẳng định chính thức của người nổi tiếng. Có điện thoại, email liên hệ quảng cáo, lịch làm việc qua người quản lý vô cùng bài bản.
Trên Facebook có rất nhiều trào lưu khó cắt nghĩa theo lối suy nghĩ thông thường. Có một câu nói kinh điển để biện minh cho những điều dị biệt rằng "cái gì tồn tại cũng có lý do của nó", vậy trường hợp này phải nghĩ làm sao?
Tùng Sơn "Công chúa Thủy Tề" trên mạng xã hội
Về thị trường, nó được tạo ra sau 1 quá trình phát triển. Facebook giờ là đại gia lớn nhất của thị trường quảng cáo trực tuyến, với sức mạnh đánh trúng tâm lý người dùng. Thị trường này phát triển trên nền tảng thuật toán phức tạp mà facebook tạo ra, thực chất nó là trí tuệ nhân tạo. Có nghĩa, nó được đưa ra để phát triển, hoàn thiện dần dựa trên quá trình của người sử dụng.
Facebook "Công chúa Thủy Tề" hàng triệu thành viên, mỗi lần livestream thì cả triệu view. Những facebooker hay những "thánh chế" trên mạng xã hội xem công chúa như bảo bối phục vụ cho thói quen comment bằng hình ảnh hài hước của mình. Chính trong lúc đó, "công chúa" đang biến họ thành thị trường của mình. Việc vô tình chế ảnh, ấn like và share cho "Công chúa thủy tề" thì tức là cũng đang giúp Tùng Sơn và đội quản lý hoàn thiện cả một kế hoạch hoàn toàn chuyên nghiệp để thu tiền bán quảng cáo.
Ngoài bàn tay nhào nặn của e kíp nào đó, Tùng Sơn còn là một sản phẩm của cái mà các nhà đạo đức học quen gọi là "cộng đồng mạng".
Tôi không thoải mái lắm với việc một số người khi thiếu mục tiêu để chĩa mũi dùi thì lại phiếm chỉ là "cộng đồng mạng". Kiểu như, cộng đồng mạng độc ác, cộng đồng mạng vô tâm... Trên mạng luôn nhan nhản các nhà đạo đức học túc trực sẵn sàng nhốt chung tất cả cộng đồng mạng vào một rọ đạo đức. Họ luôn dằn vặt, tại sao anh có thể du lịch nước ngoài, up hình cười đùa khi một thần tượng âm nhạc vừa qua đời vì bệnh tật. Tại sao bạn có thể chơi đùa trên tuyết mà không biết xót xa hàng trăm đứa trẻ ở Mèo Vạc hay Lũng Cú gì đó đang run lên vì rét...
Những cái mà họ hay gọi là "cộng đồng mạng" ấy chưa bao giờ đại diện cho cộng đồng mạng Việt Nam cả.
Trên mạng, đã có rất nhiều người gọi Tùng Sơn là quái thai, là mất dạy, ghê tởm. Diễn giải một sự thật luôn là việc cực khó, nhưng rõ ràng Tùng Sơn hay Công chúa Thủy Tề cũng là 1 phần là sản phẩm mà "cộng đồng mạng" tạo ra với quán tính bầy đàn kiểu mình thích thì mình like thôi, mình thích thì mình chế thôi, share thôi, chửi thôi...
1.000 like đốt trường, 40.000 like tự thiêu... chỉ là hai trong số vô vàn những hành động thuộc dạng mất trí của của những đứa trẻ trong trào lưu mạng 'Việt Nam, nói là làm'.
Nhưng "cơn sốt" Tùng Sơn cũng sẽ trôi qua nhanh thôi, như ai còn nhớ Lệ Rơi bây giờ ở đâu, kiếm được bao nhiêu. Tôi không phải loại người ưa cổ vũ hay dìm hàng cho trào lưu, dù sức ảnh hưởng của nó tới cộng đồng là lớn hay nhỏ. Tôi chỉ tìm hiểu, quan sát, ngẫm nghĩ để biết được mạng xã hội đang diễn ra cái gì, vận động thế nào, sinh diệt mau hay lâu. Chắc hẳn nó cũng như Lệ rơi hay Thánh củ tỏi, chẳng thể lâu hay bền bỉ như trào lưu ăn chay hay tập yoga của người đời.
Nhưng ngẫm từ chuyện Tùng Sơn "Công chúa Thủy Tề", cuộc sống cũng lắm chuyện "lầy lội".
Theo Tri thức trẻ, ekip quản lý của Tùng Sơn là một fanpage về đàn ông ngôn tình, từng khá nổi trong giới fanpage Việt Nam. Tuy nhiên đã bị đánh sập sau một cuộc "tấn công" từ Voz - diễn đàn công nghệ đình đám của cư dân mạng Việt Nam. |
Thảo Vy
loading...