loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Cơn bão 12 đã và đang để lại nhiều tổn thất vô cùng nghiêm trọng đến người dân miền Trung. Bất cứ quốc gia nào, cứ sau một thảm họa, người ta thường soi xét rất kỹ về sức mạnh tinh thần của người dân nước đó, để đo mức độ phát triển và chỉ số văn minh.
Thế giới không khỏi ngưỡng mộ sức mạnh tinh thần của người Nhật. Ngày 11/3/2011, nước Nhật liên tiếp hứng chịu ba thảm họa kinh hoàng: trận động đất lớn hy hữu với cường độ 9,1 độ richter, sóng thần cao hơn 10 mét khiến gần 3 vạn người chết và mất tích. Ngay sau đó là thảm họa rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đe dọa, hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong vòng bán kính 30km.
Nhưng, mỗi người dân Nhật Bản đã đứng vững trong sự bình tĩnh, đoàn kết, kỷ luật, kiên cường, không cướp bóc, hôi của, đầu cơ và trục lợi.
Là người sống ở Đà Nẵng, một trong địa phương chịu thiệt hại khá lớn, lại đúng dịp thành phố này đăng cai APEC, người viết lại có điều kiện để quan sát thêm đặc tính của người dân cũng như năng lực ứng phó với khủng hoảng của lãnh đạo thành phố này. Kết quả, Đà Nẵng thực sự đáng khen ngợi, khi họ đã làm rất tốt trong việc điều hành, dân vận, tạo sức mạnh tổng lực khắc phục những hậu quả vô cùng to lớn mà bão 12 đã tàn phá.
Ông chủ tịch thành phố Huỳnh Đức Thơ đã có hai lá thư khá lay động, một hiệu triệu toàn quân, toàn dân, chính quyền các ban ngành ra quân dọn dẹp thành phố sạch đẹp, khắc phục hậu quả vì một APEC thành công; cùng một lá thư cảm ơn trước sự đồng thuận của mọi người, sau khi chiến dịch thành công. Kết quả, cơ bản bộ mặt Đà Nẵng vẫn rất ấn tượng, khó nhận ra vừa trải qua đợt mưa bão khủng khiếp. Chính phủ, các bộ, ngành và đặc biệt báo chí đã vào cuộc vô cùng tích cực.
Nhưng, nói thế không có nghĩa là cơn bão không lộ ra những khoảng trống bất an về cái gọi là “nhân tai”. Đầu tiên là lộ ra hệ thống thủy điện quá dày đặc, một số nơi ồ ạt xả lũ là tác nhân lớn đến lũ, lụt. Tin đồn thất thiệt về vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 đã gây hoang mang cực độ, làm hàng trăm người dân sợ hãi phải sơ tán.
Tôi đi ra chợ, thấy thực phẩm đắt đỏ hơn, bó rau cũng tăng giá. Đấy là điều đáng buồn, tiếc rằng hầu như sau các đợt mưa bão nào tình trạng tăng giá cũng phổ biến, và có lẽ không phải riêng gì tăng “mớ rau”.
***
Chúng ta không khỏi đau lòng nghĩ về những chuyện đang xảy ra ở Khánh Hòa. Theo thống kê sau cơn bão số 12, toàn tỉnh Khánh Hòa có 66.244 nhà tốc mái, tập trung nhiều tại các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, TP Nha Trang. Và, theo báo chí đưa tin, người dân đang rất bức xúc vì giá ngói, tôn tăng cao, nhưng chỉ đáp ứng 50% nhu cầu hiện tại. “Tôi đến hỏi các cơ sở kinh doanh nhưng giá tăng cao, mọi khi tôn chỉ 80.000 đồng/mét nhưng nay đã lên 100.000/mét. Không mua thì gia đình không có chỗ ở, tôi phải vay mượn anh em được 9,5 triệu đồng để mua tôn" - chị Đặng Thị Tâm (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang) ngao ngán.
Cũng theo chị Tâm việc thuê thợ sửa sửa, đóng tôn thời điểm này cũng rất khó. "Mỗi nhà một ngày công là 3 triệu/4 người, họ không phải sửa liền mà hẹn 5 đến 7 ngày mới tới sửa" chị Tâm nói.
Để xảy ra tình trạng đó, cần phải xem xét việcquản lý thị trường. Nhưng quan trọng, vẫn là cốt cách, đạo đức, văn minh của người dân lẫn những nhà kinh doanh được đánh động thông qua các chế tài và nền tảng giáo dục ưu việt. Nếu không, thì những chuyện kiểu xe chở bia lật, người dân túa đến hôi của hay đầu cơ, trục lợi trên nỗi đau của đồng bào sẽ còn tiếp diễn.
Trong quá khứ, nhất là các cuộc chiến tranh vệ quốc, sức mạnh tinh thần của người Việt từng được thế giới ghi nhận. Chẳng lẽ nền tảng đó đang bị lung lay?
Chiều 7/11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã đi thăm, kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa bão...
Hữu Quý
loading...