loading...
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi là người Vĩnh Phúc. Chúng tôi là con người. Chúng tôi không phải là virus. Đừng kỳ thị chúng tôi!”. Những dòng chữ ấy xuất hiện trên tấm biển cầm tay của một nam thanh niên đeo khẩu trang - vừa như một lời khẩn cầu, vừa như một chia sẻ đầy bức xúc với những gì đã gặp.
Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị... tập trung mọi nguồn lực, nhân lực, luôn chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Vài ngày qua, bức ảnh chụp chàng trai cùng tấm biển ấy liên tục được cộng đồng chia sẻ trên không gian mạng, giữa thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Và vùng dịch tại xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chính là điểm nóng nhất trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh.
Đến giờ, chưa ai xác định được nhân thân của chàng trai trong ảnh. Nhưng, điều đó không còn quan trọng.
Bởi, bất kể anh là ai, thông điệp được đưa ra trong bức ảnhcũng trùng khớp với suy nghĩ của rất nhiều người - dù đang sống tại Vĩnh Phúc hay mọi địa phương khác nhau. Nó còn gắn với một thực tế: Thời gian qua, đâu đó trong cộng đồng đã có những cá nhân bày tỏ sự e dè thái quá, thậm chí là phân biệt và kỳ thị, với những gì liên quan đến Vĩnh Phúc.
Có thể, đó chỉ là những câu chuyện trôi nổi trên mạng, về việc những nhà hàng không đón xe biển Vĩnh Phúc, về các đồng nghiệp rời khỏi chỗ ngồi cạnh một người đến từ đây, về những lời bình luận kêu gọi tránh xa “Vũ Hán của Việt Nam” hay những ý kiến mang tính miệt thị về việc người dân Vĩnh Phúc cần “ngồi im”, không đi tới những tỉnh khác để gieo rắc nỗi sợ hãi với cộng đồng.
Có thể, đó là những câu chuyện đã được xác định “nhân chứng vật chứng”, khi một nhà nghỉ tại Hà Nội treo biển “chúng tôi không chào đón du khách đến từ Vĩnh Phúc” - cho dù chủ nhân khách sạn biện giải rằng đó là chuyện mang tính bột phát từ phía nhân viên và đã kỷ luật người treo biển.
Và có thể, đó cũng là những cách ứng xử chưa đủ khéo léo - vốn rất cần trong một thời điểm đặc biệt như hiện tại - khi mà một sản phụ quê Vĩnh Phúc lên tiếng về việc bị phân biệt đối xử tại một bệnh viện tư nhân ở Hà Nội. (Mọi việc sau đó được giải thích là sự hiểu lầm).
Không phải ngẫu nhiên, mà trong những ngày qua, các lời kêu gọi chấm dứt việc kỳ thị đối với Vĩnh Phúc đã được đưa ra từ nhiều cấp lãnh đạo. Điển hình, cuối tuần trước, trong cuộc họp về việc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Vĩnh Phúc, một lãnh đạo địa phương đã nhắc tới vấn đề này và nhờ báo giới truyền đi những thông điệp đồng cảm, chia sẻ để các địa phương hiểu rõ sự việc và không phân biệt đối xử với người Vĩnh Phúc.
Kỳ thị là khái niệm đang được nhắc tới khá nhiều trong những năm qua. Nó gắn với các định kiến hoặc hành vi có tính phân biệt đối xử với những nhóm cá nhân khác nhau trong xã hội. Và, tất nhiên, chúng ta đều biết: Dù là suy nghĩ hay hành động, những trường hợp kỳ thị đều không đem lại một điều gì tích cực cho cộng đồng.
Nhưng thẳng thắn, việc chấm dứt kỳ thị - dù chỉ là trong suy nghĩ - với những người đến từ Vĩnh Phúc có thể phức tạp hơn so với những câu chuyện kỳ thị về giới tính, nhân dạng hay sự phân biệt giàu nghèo. Bởi, nó xuất phát từ những ám ảnh, lo lắng của mỗi người về một vấn đề có tính thiết thân cao nhất: Sức khỏe của chính mình và người thân.
Và sẽ có một khoảng cách giữa những lời khẳng định “không kỳ thị” Vĩnh Phúc, và nỗ lực thật sự của mỗi người trong việc tìm hiểu những thông tin khoa học để xóa bỏ nỗi ám ảnh ấy.
Chịu đọc, chúng ta sẽ hiểu và tin vào những điều tưởng như rất đơn giản: Việc xã Sơn Lôi của Vĩnh Phúc đang được đặt trong tình trạng cách ly không có nghĩa là bầu trời, không khí của địa phương này đang... ngập tràn virus gây bệnh Covid- 19. Và, trong khi một số nạn nhân của dịch bệnh đang cần sự giúp đỡ, động viên từ đồng bào, hàng ngàn người dân khác tại địa phương này đang chấp nhận hi sinh để được đặt trong tình trạng cách ly. Không có lý do gì khác, giải pháp mạnh ấy chỉ hướng tới cái đích giúp cộng đồng sớm loại bỏ được đại dịch.
Để rồi, từ sự thật ấy, mỗi người sẽ dễ mở lòng hơn để đón nhận những quan điểm tiếp theo về sự sẻ chia của nghĩa đồng bào, về “viễn cảnh” bất cứ ai đều có thể rơi vào cảnh bị kỳ thị trong tương lai, nếu dịch bệnh lan mạnh tới địa phương mình đang sống.
Có lẽ, treo một cái status theo kiểu “Vĩnh Phúc cố lên” sẽ dễ hơn so với việc trả lời một câu hỏi thật lòng: Chúng ta có muốn vượt qua nỗi ám ảnh của bản thân về virus Covid-19 hay không?
Cúc Đường
loading...