A+ A A- Kiểu đọc sách

Thưởng Tết hay lời cám ơn?

07:00 17/12/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này, chuyện được bàn luận sôi nổi nhất tại các cơ quan, doanh nghiệp và trong các gia đình người lao động thường không nằm ngoài chủ đề: Tết này được thưởng thế nào?

Chế độ lương, thưởng Tết Dương lịch năm 2020

Chế độ lương, thưởng Tết Dương lịch năm 2020

Tết Dương lịch 2020, người lao động được nghỉ 1 ngày. Người lao động làm ngày Tết Dương lịch sẽ được hưởng tối thiểu 400% tiền lương ngày làm việc bình thường.

Không chỉ với những người chờ “thưởng”, bản thân những người sử dụng lao động chắc chắn cũng phải căng đầu về vấn đề này để có sự cân đối trong thu chi, cũng như đem lại niềm vui cho những người lao động sau một năm làm việc với nhau.

Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn tin: không có câu chuyện thưởng Tết nào đủ sức “thỏa mãn” được tất cả mọi người.

Thời kỳ bao cấp trước đây, chuyện thưởng Tết vô cùng đa dạng, không nơi nào giống nơi nào. Có nơi thì tăng gia lợn, gà, đến dịp này thưởng cho người lao động. Khu tập thể nơi tôi ở thì kiểu gì cũng sẽ có màn bắt cá tại hai cái ao chia cho các hộ gia đình. Một số cơ quan như chỗ bố tôi thì làm “kế hoạch ba” với chính quyền địa phương, thuê ruộng từ đầu năm trồng lúa để đến Tết có gạo ngon ăn.

Về cơ bản thời đó, thưởng Tết chủ yếu vẫn là những nông sản vật ở quê, hỗ trợ thêm cho mọi người thực phẩm hay lương thực để sử dụng trong dịp Tết giá rét. Giá trị không phải là quá lớn, nhưng nó thể hiện sự quan tâm và cái ý nghĩa “một đống tiền công không bằng một đồng tiền thưởng” - tạo ra tâm lý háo hức cho mọi người mỗi khi Tết đến.

Bây giờ, thưởng Tết, về bản chất vừa hỗ trợ phần nào thu nhập cho người người lao động, đồng thời cũng là phần thưởng cho những cống hiến trong năm của họ, khích lệ họ phấn đấu trong những năm làm việc tiếp theo.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Việc thưởng Tết của các doanh nghiệp, công ty phụ thuộc vào doanh thu của các đơn vị đó. Có những công ty thưởng Tết khoản tiền khá lớn cho người lao động sau một năm làm việc vất vả. Thậm chí nhiều chủ doanh nghiệp còn thuê xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết để tăng thêm sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đó là những việc làm nhân văn, cho dù về mặt luật lao động cũng không có quy định nào bắt buộc phải trả thưởng Tết và cụ thể số tiền là bao nhiêu?

Với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, thưởng Tết cũng được hiểu là lời cảm ơn của người sử dụng lao động cho nhân viên của mình.

Nhưng tôi cũng biết, áp lực của các thông tin thưởng Tết có thể đè nặng lên những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, làm các chủ doanh nghiệp lo lắng hay băn khoăn vì có vẻ như không trả được “món nợ” có tên là thưởng Tết cho nhân viên. Rồi các nhân viên tại nhiều công ty còn gây áp lực lên người sử dụng lao động, thậm chí là ra “yêu sách” thưởng Tết mặc dù trước khi hợp tác với nhau, cả hai đã thống nhất ký kết các điều khoản về lương và thưởng hàng năm.

***

Người Việt chúng ta từ xưa đến nay vẫn thường hướng vào các hoạt động cúng bái ông bà tổ tiên mỗi khi Tết đến, Xuân về. Với đa số người lao động, sau một năm làm việc vất vả, dịp Tết được sum vầy cùng gia đình, nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe là rất quan trọng. Chính vì thế, thưởng Tết cho người lao động ngoài ý nghĩa chăm lo đời sống, đó còn là sự khích lệ về tinh thần.

Về phía người lao động, dù cho thưởng Tết có là gì đi chăng nữa (tiền mặt hay là hàng hóa…) thì cũng phải ghi nhận sự hỗ trợ và tấm lòng của người sử dụng lao động. Giá trị của nó không khác mấy so với câu: Một miếng khi đói…

Nghĩ được như thế chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng hơn mỗi khi dịp Tết Nguyên đán cận kề, đồng thời bớt đi những lo lắng không cần thiết, những bức xúc so sánh hơn thua. Khi đó câu chuyện thưởng Tết trở nên nhẹ nhàng, dù nhiều hay ít thì cả hai phía người sử dụng lao động và người lao động đều vui vẻ trong dịp Tết về.

Quốc Khánh

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...