loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Đã thành thông lệ, khoảng từ rằm tháng chạp âm lịch hằng năm, những cành đào rừng từ khắp các bản làng vùng cao của tỉnh Điện Biên lại được người dân mang về bày bán trên tuyến đường dọc bờ sông Nậm Rốm, thành phố Điện Biên Phủ. Đào rừng đã trở thành thú chơi không thể thiếu trong mỗi dịp Tết cổ truyền đối với người dân Điện Biên.
Tết Nguyên đán 2021 đã đến gần. Trong mọi sự chuẩn bị cho tết nhất luôn có một góc dành cho mai, đào, và các loại hoa, cây cảnh nói chung. Những người trồng trọt và kinh doanh đã rục rịch cho một mùa Tết từ lâu.
Thị trường đào Tết năm nay chắc chắn sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo phải cấm tuyệt đối chặt đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết; đồng thời yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Tất nhiên, phải hiểu đây là cấm chặt đào rừng ở rừng tự nhiên, còn người dân tự trồng đào rừng thì khuyến khích người dân phát triển kinh tế, chúng ta không cấm việc này.
Hoa đào là món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho mùa xuân miền Bắc. Được ví như “sứ giả” của mùa Xuân, sắc hồng tươi tắn của hoa đào tượng trưng cho sự khởi đầu may mắn, ước vọng hạnh phúc, niềm vui và sự yên ấm.
Không chỉ mang tới sắc khí của mùa Xuân, người Việt tin rằng hoa đào còn có sức mạnh xua đuổi ma quỷ.
Sophia thân mến!
Nhắc đến hoa đào, những người yêu hoa chẳng thể nào quên những làng hoa như Ngọc Hà, Nghi Tàm, Tây Tựu, Quảng Bá, Nhật Tân... ở Hà Nội đã đi vào trong thơ ca. Trong đó, đào Nhật Tân đã trở thành thương hiệu và tinh hoa văn hóa của đất kinh kỳ. Hàng năm, cứ vào dịp tháng Chạp, các vườn đào tại đây suốt ngày nườm mượp khách ghé thăm, chụp hình.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như thú “chơi đào” vẫn giữ được sự tinh tế cũng như sành sỏi. Những năm gần đây, xuất phát từ nhu cầu “chơi ngông” của nhiều người, cho rằng phải chơi đào mọc tự nhiên trong rừng mới đẹp đẽ, sang chảnh và "độc, lạ", thế nên buôn bán đào rừng trở thành một nghề kinh doanh cuối năm. Vào thời điểm trước Tết Nguyên đán, khi có khách đặt hàng, các tiểu thương sẵn sàng chi tiền thuê người lên rừng tìm đào rừng về bán cho khách hàng.
Chuyện chơi đào khai thác từ rừng tự nhiên khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện “Đẹp mà không đẹp” trong sách giáo khoa dành cho học sinh lớp 2. Câu chuyện ngắn gọn như sau:
"Thấy bác Thành đi qua, Hùng liền gọi: Bác Thành ơi, bác xem con ngựa cháu vẽ có đẹp không?
Trên bức tường trắng hiện ra những nét than đen vẽ hình một con ngựa đang leo núi. Bác Thành nhìn bức vẽ rồi trả lời: Cháu vẽ đẹp đấy, nhưng còn có cái không đẹp! Hùng vội hỏi: Cái nào không đẹp, hở bác? Bác Thành bảo: Cái không đẹp là bức tường của nhà trường đã bị vẽ bẩn, cháu ạ"!
Đào rừng thì cũng vậy. Khi được sống tự nhiên trong rừng, chúng sẽ nở hoa khoe sắc, phát triển thuận theo tự nhiên, đó mới chính là vẻ đẹp cảnh quan tại những địa phương, vùng miền có cây đào. Việc khai thác, chặt phá đào rừng trong rừng tự nhiên đem về kinh doanh ngoài việc vi phạm quy định bảo vệ rừng thì còn làm “hỏng” vẻ đẹp của tự nhiên và làm hoen ố một thú chơi thanh lịch, tao nhã...
Theo Sophia, liệu mọi người có trầm trồ trước vẻ đẹp của cành đào rừng không, nếu như biết rằng người ta đã chặt phá rừng tự nhiên để đem nó về bày trong nhà dịp tết?
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Khánh
loading...