A+ A A- Kiểu đọc sách

Thư gửi robot Citizen: Cuối năm nói chuyện xưng hô

07:37 05/02/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Thư gửi robot Citizen: Giá trị vàng

Thư gửi robot Citizen: Giá trị vàng

Tết sắp đến, người Việt Nam chúng tôi lại phải đối diện với nhiều nỗi âu lo. Mà nỗi lo lớn nhất là nguy cơ dịch Covid-19 trở lại, sau khi có gần trăm ca nhiễm ở Quảng Ninh, Hải Dương.

Ngày Tết, khi sum họp đại gia đình, thăm viếng họ tộc, hàng xóm, người Việt Nam chúng tôi rất để ý chuyện xưng hô. Thật chẳng đơn giản chút nào.

Sophia biết không, xưng hô là một phần của chữ "lễ", mà ngày nay gọi là văn hóa giao tiếp.

Nhiều nơi ở vùng đồng bằng, khi cưới nhau xong thường vợ mất tên, người ta gọi vợ theo tên chồng. Khi có con thì bố mất tên, người ta gọi bố hoặc mẹ theo tên con. Hàng xóm trên quê tôi đến bây giờ nhiều tên ông bà còn và khuất cũng không ai biết tên thật. Chỉ giỗ chạp, người đã khuất mới được lầm bầm khấn khứa gọi ra. Nên tên thật được gọi là tên cúng cơm. Thế nên thành ngữ Việt có câu: “Sống mỗi người mỗi nhà/ Chết mỗi người mỗi mồ”, âm dương cách biệtlà thế!

Một bạn bảo: “Gọi theo tên con trưởng là một nét văn hóa độc đáo, phân biệt được tôn ti trật tự, phân biệt được nội ngoại, phân biệt được thông gia, liên gia mạch lạc, phân biệt được các đời trong dòng họ, các chi, giữ được đạo đức con, cháu". Một bạn khác bảo: “Đó là phép luân lý ở làng quê”... Nhiều nơi bây giờ vẫn thế, nhất là những vùng nông thôn sâu xa còn giữ nếp cổ.

Chú thích ảnh
Hình minh họa

Người Công giáo thì có tên thánh đứng trước tên khai sinh, khi mất trên bia mộ không để tên thật mà chỉ có tên thánh. Tên thật cũng theo về nước Chúa cùng người. Vậy chỉ còn tên thánh như một biểu trưng tì dựa phần hồn của người quá cố.

Người Tày, cha mẹ chết họ cũng không bao giờ nhắc tên thật ra nữa. Ai hỏi thì trả lời: Chủ lừm hoặc a lừm (bố quên, mẹ quên), hoặc đơn giản: Quá mừa ra! (đã về với tổ tiên rồi). Bởi người ta coi chết là một cõi khác.

Một lần về quê, có một cụ chào tôi bằng bác, xưng em, mà không chào anh. Hỏi ra mới biết đó là cách chào thay cháu. Cụ chào thế cũng là muốn cho người đối diện biết mình cụ đã có con và giờ đã lên ông. Ôi thật là tế nhị mà sâu sắc. Vậy mà có người lại nghĩ người nhà quê nói năng lung tung chẳng ra làm sao!

Cái tên dùng trong cõi này. Rời cõi tạm thì tên đi theo, chỉ ngày giỗ thì con cháu phải gọi thì thầm đúng tên khai sinh để về hâm hưởng cỗ bàn.

Kiêng nhắc tên thật là để người chết được yên lành. Nên “Lừm” bản chất không phải quên mà là kính trọng. Nếu chửi chau réo tên bố đã mất ra thì đó nặng như chuyện đào mồ cuốc mả.

Sống bình dị thì chết cũng nên bình dị như vậy!

Cách đây chừng 50 năm, tôi làm việc ở Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, có lần trao đổi công việc với nhà nhiếp ảnh Lê Vượng, ông gọi tôi là ông, xưng tôi. Tôi bảo bác ơi, cháu là tuổi con cháu, sao bác gọi thế? Ông Vượng bảo: Tôi đang làm việc với ông, mà ông đang đại diện cho cơ quan. Tôi gọi ông hoặc bà, không có nghĩa là già trẻ. Gọi thế là trọng thị trong công việc với một nhân viên nhà nước trong khi làm nhiệm vụ. Người Pháp dạy tôi thế. Lúc ấy tôi mới hiểu ngôn ngữ giao tiếp công sở của nền hành chính Pháp cẩn thận thế nào. Không ẩu tả chú chú bác bác, anh anh em em, hay cháu/ con cẩu thả như bây giờ.Ông bảo cách gọi nó tạo tư thế làm việc cho người cán bộ ngay ngắn.

Bây giờ trong xưng hô, với người đối diện nếu trẻ tuổi hơn thường gọi em, xưng anh chị. Nhiều tuổi hơn gọi chú bác, xưng cháu, xưng con loạn xạ, thật nhiễu loạn giữa gia đình và công sở. Nhưng nó đã thành tật mất rồi. Bệnh thì chữa được nhưng tật thì khó chữa. Muốn chữa phải quay lại xuất phát từ giáo dục phổ thông. Thế đấy, không cẩn thận là sai một ly đi một dặm.

Xưng hô với người Việt Nam đúng là rắc rối nhỉ. Để xưng hô cho đúng thì sự lễ phép thôi chưa đủ. Cho nên trước khi đi chúc Tết họ mạc, xóm làng, ta hãy chuẩn bị một “lưng vốn” về văn hóa xưng hô, Sophia nhỉ?

Tạm biệt Sophia, hẹn gặp năm sau!

Đỗ Đức

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...