Quốc tế thiếu nhi năm nay rơi trúng vào thứ Bảy, người lớn trẻ con đều được nghỉ, chưa kể bây giờ bọn trẻ cũng đang trong kỳ nghỉ Hè, trừ học sinh cuối cấp 3 đứng trước kỳ thi tốt nghiệp và đại học.
Ở nhà tôi, như mọi ngày, hai đứa cháu (đang học cấp 2) vừa mở mắt là đứa cắm mặt vào iPad, đứa hí hoáy với play staytion. Bố mẹ chúng còn mải ngủ bù những ngày thức khuya dậy sớm. Mà có lẽ nếu bố mẹ chúng không ngủ bù thì họ cũng mỗi người chúi mũi vào một cái máy tính, và chúng nó vẫn iPad, play staytion.
Tôi vừa hỏi chúng: “Sao 1/6 không đòi bố mẹ cho đi chơi, sao không đi công viên nước, đi trượt cỏ?”. Thằng anh nhanh nhảu: “Đi hôm nay đông lắm, chẳng có chỗ chơi đâu ạ, trời thì nắng. Với cả chơi game sướng hơn”. Con em đế thêm: “Các bạn cháu chẳng ai đi, mấy chỗ đấy toàn người ở tỉnh lên chơi, ở nhà vào facebook cũng gặp được hết các bạn cháu”…
Hai đứa cháu tôi đứa 12, đứa lên 10. Quanh năm suốt tháng, nếu không đi học tôi đều thấy chúng chơi game hay làm gì đó với những chiếc máy người ta gọi là “đồ chơi công nghệ”. Chúng có thể ngồi đúng một chỗ không cần xê dịch, với đủ các tư thế suốt nhiều tiếng đồng hồ, mặt thay đổi cảm xúc theo những gì chúng đang thấy trên máy tính, có lúc cười khanh khách, có lúc càu nhàu, đôi khi tức giận. Chúng chơi lúc không làm gì, chơi vào lúc ăn và thậm chí ngồi toilet cũng không rời chiếc máy.
Bố mẹ chúng không tiếc tiền mua cho chúng những chiếc máy đó, và liên tục nâng đời máy mỗi khi có phiên bản mới ra. Họ bảo trẻ con thành phố phải có những thứ ấy, con mình không thể thua thiệt, vả lại, đồ chơi công nghệ là bảo mẫu trung thành, tin cẩn nhất. Họ chẳng phải hò hét giữ trật tự, chẳng cần lo chúng tự ý bỏ đi chơi ra ngoài đường đầy rẫy những hiểm nguy rình rập, và nếu chúng bướng bỉnh thì chỉ cần doạ sẽ không mua máy đời mới là chúng sẽ răm rắp làm theo điều họ muốn.
Chẳng riêng gì nhà anh chị tôi. Đến những bữa tiệc lớn nhỏ, quán cà phê với bạn bè, cảnh tôi thường xuyên thấy là bọn trẻ con mỗi đứa một chiếc iPad, hoặc điện thoại iPhone của bố mẹ. Cảnh tượng thường tuần tự thế này: Các gia đình hẹn nhau tụ họp, nhắn nhủ nhau cho con đi để bọn chúng giao lưu với nhau. Nhưng rồi vừa đến chỗ hẹn, bố mẹ sẽ lập tức mở túi lấy đồ chơi đưa cho con, vậy là mỗi đứa một máy, chẳng nói chẳng rằng ngồi xuống ghế vuốt vuốt chấm chấm, nếu có giao tiếp với nhau thì chúng hỏi đã qua được cửa mấy của trò này trò kia. Vậy là bố mẹ cứ giao lưu, ăn uống thoải mái mà chẳng bị làm phiền…
Đang suy tưởng về tuổi thơ của mình, tuổi thơ thiếu thốn nhưng được tự do đi lại ngoài đường mà không sợ bị xe đụng, không lo bị bắt cóc, thoải mái chơi đủ các trò chơi vận động, tôi mở tivi và bắt gặp một chương trình thi hát của thiếu nhi. Thí sinh nhỏ nhất 9 tuổi, lớn cũng 14-15, đứa nào đứa nấy hát hò biểu diễn rất điêu luyện, hát tiếng Việt giỏi đã đành, hát tiếng Anh cũng nghe như người bản xứ, mà toàn bài người lớn. Đứa nào cũng được bố mẹ động viên cổ vũ dắt dìu đi thi và nhìn ngắm bằng đôi mắt tràn trề tự hào và hy vọng. Có cậu bé 11 tuổi nói em thích đi thi vì em thích thành ca sĩ nổi tiếng, có nhiều fans và đến đâu cũng được xin chữ ký. Lại có một cậu bé 15 tuổi tự đến thi một mình chẳng có ai hộ tống, nó bảo bố mẹ phản đối việc nó đi thi hát nhưng nó quyết tâm rồi. Có vài thí sinh tôi đã từng thấy xuất hiện ở những cuộc thi khác, bố mẹ vẫn cổ vũ nhiệt liệt và cháu đam mê âm nhạc nên cháu tiếp tục đi thi.
Nghe bọn trẻ con nhăn nhó rên rỉ: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hồn liễu rũ lê thê, trời cao níu bước sơn khê…” hay “Vì ta đã thấy mặt trời ngày nào trên cao nguyên. Vì ta đã thấy mặt trời còn hồng trên môi em”, tôi buông tiếng thở dài. Mẹ tôi bảo: “Nhìn trẻ con bây giờ nẫu hết cả ruột”.
Tôi tắt tivi, vào facebook. Trên facebook hôm nay nhiều người cùng “share” (chia sẻ) một bộ ảnh chụp một em bé sống trong sự thờ ơ, giận giữ của cha mẹ và người anh với sự tương phản là những bức ảnh chụp anh và bố mẹ của cậu tươi cười, ân cần, vui vẻ với những người dưng. Bộ ảnh đó được chú thích bằng những dòng chữ này:
“Đôi khi vì cuộc sống hàng ngày, chúng ta vô tình thờ ơ, bỏ mặc, hắt hủi em mình vì những điều phù du khác. Bố mẹ hay bán con cho những "bảo mẫu công nghệ" và không bao giờ chịu xỏ chân vào giày con trẻ để hiểu những cảm xúc và khao khát tình cảm của con. Đừng bao giờ để công việc làm tổn thương con, tiền không thể lấp đầy trái tim của chúng. Thời gian cũng không thể nào xóa sạch những ký ức đau thương như việc giặt sạch một vết bùn vây trên áo trắng.
Hãy quan tâm em mình thay vì quan tâm game hay facebook, hãy chăm sóc con mình thay vì mải miết phục vụ những người không thật sự quan trọng với mình. Bạn bè thì có nhiều, công việc mất đi thì có thể tìm lại, nhưng đứa con ấy, ta chỉ có một mà thôi.
Trẻ con sinh ra là để người lớn chúng ta học cách yêu thương”.
Thanh Minh (nhân viên xuất nhập khẩu)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần