(Thethaovanhoa.vn) - “Ai cũng vì yêu mến Trần Lập nên chẳng thể nào ngồi yên chứng kiến anh phải chịu đau đớn, hễ quen bác sĩ nào giỏi, biết phương pháp nào hay đều vội vàng chia sẻ ngay. Thành thử, suốt thời gian đầu lúc nào máy anh cũng nóng ran vì hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn khuyên nhủ đổ dồn tới một lúc. Nghe theo người này tất sẽ làm buồn lòng người kia. Trong khi đó, anh chỉ có một sinh mệnh duy nhất. Anh không thể sai và buộc phải tỉnh táo để đưa ra quyết định cuối cùng”.
Yo Lê (
Rong chơi - Trần Lập, Rock, moto và những cung đường, NXB Lao Động, 2016)
Cuốn sách trên được viết sau ngày 4/11/2015 – thời điểm Trần Lập phát hiện bị mắc ung thư trực tràng. Sách phát hành ngày vào 29/2/2016. Chưa đầy 1 tháng sau thì Trần Lập qua đời. Theo như những gì trong sách viết, thì chắc chắn Trần Lập đã rất tỉnh táo để đưa ra quyết định cuối cùng trong việc điều trị căn bệnh của mình – và có thể thấy là anh đã lựa chọn Tây y. Nhưng không may, anh đã không tránh khỏi được sự nghiệt ngã của số phận.
Hoàn cảnh của Trần Lập trong những ngày lâm bệnh - với hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn đổ dồn một lúc để mách cho thầy nọ, thuốc kia - cũng là tình cảnh của nhiều bệnh nhân ung thư ở Việt Nam. Chưa bao giờ, số lượng các “thần y” chữa ung thư lại nổ rộ như bây giờ, từ Nam, chí Bắc.
Không phải bệnh nhân ung thư nào cũng lạc quan được như Trần Lập
Ở hành lang bệnh viện K, Người ta rỉ tai nhau về các phương thuốc bí truyền của các ông lang Mường, bà lang Mán. Còn trên báo chí, thỉnh thoảng lại rộ lên các phương pháp chữa trị ung thư “thần hiệu” như nhịn ăn, nuốt cóc để diệt ung thư...
Có bệnh vái tứ phương, bệnh nhân ung thư hoang mang, cùng quẫn chạy đôn đáo hết thầy nọ, thầy kia với tâm lý còn nước, còn tát; nhưng rốt cuộc, vẫn không tránh khỏi tiền mất, tật mang và còn bị đẩy nhanh đến chỗ suy kiệt cả về sức lực, lẫn tiền bạc.
Bệnh nhân ung thư ở Việt Nam không chỉ là nạn nhân của tình trạng môi trường ô nhiễm, thức ăn không đảm bảo... mà còn là nạn nhân của tình trạng loạn thuốc thang, loạn phương pháp chữa bệnh.
Trần Lập đã đúng khi nghĩ rằng, anh chỉ có một sinh mệnh duy nhất, anh không thể sai...
Nhưng tại sao anh lại đi quá nhanh vậy? Ngày 16/1/2016, anh còn hát rất sung với 5 bài trên sân khấu Đôi bàn tay thắp lửa? Ngày 29/2/2016, anh còn post lên facebook bức ảnh Hưởng nắng Sài Gòn, vậy mà...
Sau khi Trần Lập mất, nhiều người hoang mang kinh hãi trước căn bệnh ung thư, nhất là ung thư trực tràng, căn bệnh có liên quan tới vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối của cả xã hội hiện nay. Nhiều thông tin cho rằng, Việt Nam có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư cao bậc nhất thế giới.
Không sai khi nói rằng bệnh ung thư đang bùng phát ở Việt Nam trong những năm gần đây, và có xu hướng tăng mạnh trong 5 năm tới, nhưng thực tế, trong xếp hạng 172 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ ung thư do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tháng 5/2014, Việt Nam đứng ở vị trí 78 với 110 ca/100.000 người. Đứng đầu danh sách này là Đan Mạch với tỷ lệ mắc ung thư 338 ca/100.000 người.
“Khi nghe tin thời gian của anh Trần Lập chỉ còn tính bằng ngày, tôi chưa kịp hướng về phía Bắc cầu nguyện cho anh, thì cái tôi nhìn thấy trên khắp Facebook là những bức ảnh của anh...”- Lê Thu Thủy, bút danh Yo Le sinh năm 1993.
Các quốc gia còn lại trong top 10 có tỉ lệ mắc ung thư cao nhất cũng phần lớn là các nước phát triển và “sạch sẽ”: Pháp, Áo, Bỉ, Na Uy, Mỹ, Ireland, Hàn Quốc, Hà Lan và New Caledonia.
Nhưng có một nghịch lý là tỉ lệ mắc ung thư ở Việt Nam không (hay chưa) cao, nhưng tỉ lệ chết vì ung thư lại rất cao so với mức bình quân thế giới: Tỷ lệ tử vong vì ung thư ở Việt Nam là 73,5% khi đó, tính chung toàn thế giới con số này là 59,7%; tại các nước phát triển là 49,4%.
Rõ ràng, tỉ lệ tử vong vì ung thư ở nước ta cao do khâu tầm soát bệnh kém, đa số phát hiện ung thư khi đã chuyển sang giai đoạn nặng. Và khi đã nặng thì ung thư đồng nghĩa với cái chết.
Bị ung thư, chưa hẳn là bi kịch. Vấn đề là ung thư ở GIAI ĐOẠN NÀO? Nếu ung thư ở giai đoạn 0 hay I, thì tỉ lệ chữa khỏi vô cùng cao, thậm chí là 100% đối với ung thư vú.
Ung thư chưa hẳn đã là tuyệt vọng, nếu phát hiện và điều trị sớm và đúng cách. Thế nhưng, kết quả nghiên cứu gần đây tại 12 tỉnh thành cho thấy 67,2% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm muộn gì cũng thế. 35,8% người nghĩ ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết.
Trần Lập cũng vậy, anh đã bỏ qua căn bệnh quái ác này 3 năm trời kể từ khi nó xâm nhập vào cơ thể, và anh chỉ phát hiện ra khi nó đã ở giai đoạn 3, tức là gần cuối rồi.
Chống đỡ với ung thư giai đoạn 3 được như Trần Lập cũng là một chiến công. Nhưng thật tiếc là anh đã không phát hiện sớm hơn.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần