Chợ hoa Tết Sài Gòn
Tết nào quan trọng hơn? Với người Mường ngày đó thường rơi vào tháng 10 Âm lịch, và tùy từng vùng gặt sớm hay gặt muộn, mà ăn Tết. Sau tháng 10 là tháng 1 theo lịch Mường cổ, tức là chuyển sang năm mới. Dấu tích của lịch này còn thấy được trong Âm lịch Việt Nam, khi kết hợp với Âm Dương lịch của Trung Hoa. Nếu như Âm Dương lịch Trung Hoa tính tháng Giêng là bắt đầu gọi là Dần thì tiếp theo là Mão - Thìn - Tỵ - Ngọ - Mùi - Thân - Dậu - Tuất - Hợi. Người Kinh (Việt) thì gọi là Giêng - Hai - Ba - Tư - Năm - Sáu - Bẩy - Tám - Chín - Mười - Một - Chạp. Và khi chấp nhận Âm Dương lịch phương Đông, thì người Việt cũng coi Tết Nguyên đán là Tết đầu năm mới, tức là bắt đầu năm mới tính từ ngày mùng một tháng Dần (Giêng) gọi là Nguyên đán, ngày 15 Âm lịch tháng Giêng gọi là Nguyên tiêu. Nếu khảo kỹ từng sắc tộc sống trên mảnh đất Việt Nam, thì rõ ràng mỗi tộc người có cách quan niệm riêng về Tết và cũng không hẳn thống nhất với Tết Nguyên đán. Chẳng hạn người H’mong ở vùng Mộc Châu có hai ngày Tết, một ngày Tết Độc lập 2/9 (Dương lịch), tất nhiên họ lấy ngày lập nước và ngày Tết mùng một tháng một Dương lịch, theo Tây lịch. Chúng tôi không rõ với người H’mong nơi đây, Tết Nguyên đán có ý nghĩa gì không so với hai ngày tết kia, và với người Mường ở Lương Sơn cũng vậy, Tết lúa mới tháng 10 Âm lịch quan trọng hay Tết Nguyên đán quan trọng. Lịch người Mường (ở Mường Bi) một năm tính tháng như sau: Chiêng - Háp - Một - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bẩy - Tám - Chín - Mười. Tương đương với Âm lịch thì các tháng là: Tháng Chiêng - tháng 10, tháng Háp - tháng 11… và cuối cùng tháng 10 tương ứng với tháng 9 Âm lịch. Lịch Mường này còn tùy thuộc vào các vùng miền khác nhau, nhanh chậm chừng một đến ba tháng không thống nhất, nhưng chính xác với vụ mùa của địa phương, có nơi lại trùng khít với Âm lịch của người Việt (Kinh).
Quầy hàng Tết thời bao cấp
Tết lúa mới và Tết xuống đồng vào mùa Xuân có lẽ là hai thời khắc quan trọng với dân nông nghiệp Việt cổ. Với người Việt (Kinh) thì nông vụ theo Xuân Hạ Thu Đông, tháng 10 Âm lịch là vụ gặt lúa mùa, sau đó cho đất nghỉ hoặc trồng ít cây hoa màu mùa Đông, như mía, bắp cải, su hào, sang tháng 12 (Chạp) cày vỡ đất đợi mưa xuân cấy lúa mới vụ chiêm. Từ tháng 8 đến tháng 12 Âm lịch, người ta bắt đầu chuẩn bị hàng hóa bán cho đợt Tết, như vàng mã, tranh dân gian, bánh trái, đồ chơi, vải vóc. Và rồi Tết đến tháng Giêng được coi là tháng ăn chơi, du xuân, dự lễ hội mùa Xuân qua các làng.
Tết xưa hay Tết nay?
Theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, trước thời khắc Nguyên đán cả nửa tháng, người ta đã sắm sửa, thầy đồ ra chợ viết câu đối, dọn dẹp, dán tranh quan tướng trừ ma quỷ lên cửa, dựng cây nêu, cài lá đầu ngõ. Rồi giữa đêm 30, bày hương án, cỗ bàn ra sân tế lễ, làng mạc đánh trống đốt pháo. Sáng mùng một thì cúng gia tiên, thổ công, táo quân, nghệ sư (ông Táo thường được cúng trước 23 cho đến chiều 23 tháng Chạp), mượn người xông đất, kiêng hót rác, họ hàng đến chúc mừng, thăm hỏi, thưởng xuân, hái lộc rồi hóa vàng… Cái quy trình Tết này còn tồn tại cho đến những năm 1980 của thế kỷ trước, sau đó thay đổi chút ít khi cơ chế bao cấp giải tán và thay thế bằng nền kinh tế thị trường, nhưng về căn bản, người Việt Nam vẫn giữ tập quán Tết nhất tương tự như thời cổ, chỉ có khác về hình thức. Việc thăm hỏi hàng xóm, vẫn được giữ gìn với ý nghĩa hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, nhưng bây giờ không nặng nề và nhất thiết nữa khi đô thị hóa đã lan dần đến nông thôn. Các hội đồng hương, đồng môn, đồng học, đồng tuế… có vẻ rôm rả hơn. Việc mua tranh dân gian treo Tết, dựng cây nêu, đánh trống đốt pháo dường như tắt hẳn.
Phong tục mừng tuổi con trẻ ngày Tết
Giao thông xưa hạn chế, ngoài việc về thăm quê hương, người ta chỉ có thể vãng cảnh gần nhà, xa là vài chục cây số. Bây giờ, phương tiện công cộng và cá nhân sẵn, người ta có thể đi chơi xuân hàng trăm cây số, thậm chí là đi nước ngoài, tỉnh xa. Cuộc sống nghèo nàn xưa, đến rác cũng hiếm, thì nay, nhân dịp lễ Tết, lượng rác thải tăng lên như là một áp lực với môi trường. Sau ngày Tết Nguyên đán là những ngày du xuân và lễ hội, thì các đình chùa và làng mạc bị sức ép lớn của du khách, hàng quán, rác thải, hương khói, vàng mã. Riêng dịp cúng ông Công ông Táo, sông Hồng, đoạn qua Hà Nội trở thành cái ao chứa rác đốt mã, và cá phóng sinh, hàng năm sau vẫn chưa hết ô nhiễm. Lễ lạt thời thịnh hành tham nhũng và biếu xén cũng là một áp lực khác lên người nghèo và mối bận tâm của người giàu, người đang muốn làm ăn lớn và thăng quan tiến chức. Tất cả các hủ tục xưa đều được nhân lên gấp bội trong dịp Tết Nguyên đán ngày nay. Nếu gọi đó là nét mới của lễ Tết truyền thống, hay là tệ nạn mới cũng vậy.
Một thời còn pháo
Người nông dân xưa cả năm đói kém, ly tán, dịp lễ Tết là dịp sum họp và ăn uống thỏa thuê. Ý nghĩa này không còn, vì nạn đói lương thực đã được giải quyết, nhưng thay thế vào đó là sự không kiểm soát được chất lượng và nguồn thực phẩm, khiến người ta bị bệnh sau này, thực ra trong một tương lai gần, dù ăn thức ăn sạch mà quá tải cũng sinh bệnh. Giới trẻ đang hướng đến các lễ Tết kiểu phương Tây, như Noel, Tết Dương lịch và muốn đơn giản hóa cái Tết Âm lịch. Tập tục xã hội dù hay dở đã hình thành thì không dễ gạn lọc. Chủ nghĩa hình thức song hành với tính thực dụng thô thiển của người Việt đã làm cho đời sống khó khăn thêm nhiều, mà vốn cũng đã khó khăn rồi. Điều đó đặt ra những thách thức cho cái nhìn xã hội học của từng con người sống trong cộng đồng dân tộc, chứ không phải là việc của các nhà xã hội học. Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần