loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia vừa được trình Quốc hội dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều, làm nóng cả nghị trường lẫn dư luận xã hội. Quản lý bia rượu về góc độ bảo vệ sức khỏe, an toàn xã hội là việc cần làm, tôi tán thành. Tuy nhiên quản lý bia rượu về mặt văn hóa cũng là việc không thể bỏ qua nhưng hiện nay ít người quan tâm hoặc chưa quan tâm đúng mức. Đó là chuyện tiếng ồn ào bia rượu.
Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, các đại biểu Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thảo luận về dự án Luật này.
Bây giờ, bàn về văn hóa, người ta hay đưa ra khái niệm văn hóa vật thể rồi lại văn hóa phi vật thể nữa. Có lẽ tiếng hò dô của một thời nên được xem là cái giá trị văn hóa “phi vật thể ” trường tồn, mang đậm đà bản sắc dân tộc của người Việt chúng ta.
Tiếng hò dô ngày xưa là của người lao động kéo gỗ, chèo thuyền, chiến đấu. Ngày nay, kéo gỗ đã có xe, có máy. Thuyền lớn đã có động cơ. Chẳng mấy ai còn phải nai lưng ra mà chèo mà phải dô nữa. Tưởng chừng giọng dô hò chỉ còn trong ký ức, tâm tưởng và qua những bài hát của một thời.
Chuyện vậy mà không phải vậy.
Văn hóa “dô”!
Cứ ngỡ sau này, trẻ con thế hệ 8X, 9X thời @ sẽ chẳng hiểu “dô tá dô tà ” là cái gì nữa. Muốn tìm hiểu nó lại phải vào thư viện, phải tra cứu những âm thanh, bản nhạc của một thời qúa vãng. Thế mà, giờ đây, âm "dô" lại thình lình xuất hiện.
Đầu tiên là trong các bàn nhậu ở nhiều vùng phía Nam sau dần lan toả ra khắp cả nước. Một lần, tôi đang ngồi dự tiệc với mấy vị khách nước ngoài trong một nhà hàng khá sang trọng, dưới ánh sáng đèn vàng ấm cúng, trên bàn có cắm những nụ hoa hồng mảnh mai quyến rũ trong nền nhạc cổ điển du dương êm dịu...
Chủ và khách ăn uống trao đổi nhẹ nhàng vui vẻ. Bỗng cả nhóm giật phắt người vì nhóm thực khách bàn bên vụt đứng dậy và nhất nhất theo lệnh của tay chủ trò. Mặt đỏ phừng phừng, nâng cao ly rượu và yêu cầu cả bàn nhất loạt đứng lên rồi đồng thanh hô lớn: “Một, hai, ba! Dô!”.
Cứ thế, liên tục đến ba lần. Mỗi lần, anh nào anh ấy đều phải đồng thanh hô cho rõ to và đều. Phải thể hiện cái khí thế của mình, ngửa cổ lên trời mà đánh ực một cái cho hết cả ly rượu. Tu một hợi cho hết cả trăm phần trăm vại bia to đùng.
Thực khách của tôi thấy vậy mà sởn tóc gáy bởi cái khí thế hào hùng của bàn bên.
Trong một đám cưới sang trọng trên đại sảnh khách sạn 5 sao. Sau những câu giới thiệu nhạt phèo của tay chủ trò chuyên nghiệp nay là được phong là MC đám cưới”. Bất chấp hàng trăm người đủ mọi thành phần nhà trai, nhà gái. Từ trẻ lên ba đến cụ già chín chục. Từ thủ trưởng đến nhân viên. Tay MC thuê dõng dạc yêu cầu: “Để mừng cho hạnh phúc cuả cô dâu chú rể và của hai gia đình, mời tất cả mọi người cùng đứng lên nâng cốc và rồi lại “Một, hai, ba! Dô!”.
Chẳng ai dám trái lệnh. Cố tình ngồi ỳ trên bàn, không đứng dậy, không “dô” thì ra mình không thành tâm chúc cô dâu chú rể và gia đình ư? Chẳng còn ra cái thá gì nữa!
Thanh lịch trong nếp ăn, nếp uống đâu rồi?
Cho đến bây giờ, mỗi lần vào quán ăn, nhà hàng, tôi phải tránh xa chỗ nào có đám đông đang “dô”. Họ ra quán để mà xả thì cứ xả cho tới bến. Đã có bia, có rượu là phải cụng ly, phải “Dô! Dô! Dô”, phải trăm phần trăm. Phải “Uống rượu bắt tay, biết ngay sư phụ…”.
Thực lòng, tôi không phải là người "kiêng cữ" gì lắm với bia. Uống khi vui sau một ngày làm việc nặng nhọc vất vả. Uống những lúc cực buồn khi bè bạn, người thân vĩnh viễn ra đi. Ngẫm lại, có lẽ cái nghề khảo cổ của chúng tôi nó thế, hay đi đây đó, lọ mọ nơi núi cao, hang sâu, cho nên sau mỗi ngày điền dã mệt mỏi thì bữa cơm tối vẫn tự thưởng cho mình chén rượu, chai bia...
Có vị là giáo sư cổ sinh vật nổi tiếng từ Hà Lan sang làm việc với nhóm chúng tôi ở tận rừng sâu Thanh Hóa nhưng cả tháng trời mà bữa nào cũng chỉ chai bia và dăm hạt lạc, cơm canh rất ít. Thế mà vẫn khỏe, vẫn phát hiện ra bao hóa thạch lừng danh thế giới cùng bao bài viết công trình xuất sắc.
Cái “thói” uống bia uống rượu nó là như vậy. Trên thế giới này nơi nào cũng thế. Nếu cứ chỉ như thế thì cũng chẳng có gì mà bàn. Vậy mà đã đến lúc phải xem lại và chấn chỉnh cái sự uống bia, uống rượu của dân ta hôm nay sao cho nó tử tế, nó lành mạnh.
Tôi là thành viên của Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN), tôi có tham gia vào hoạt động vận động chống các chất độc hại liên quan đến sức khỏe trong đó có a-mi-ăng, thuốc lá và bia rượu. Quản lý bia rượu về góc độ bảo vệ sức khỏe, an toàn xã hội là việc cần làm và tôi tán thành. Tuy nhiên quản lý bia rượu về mặt văn hóa cũng là việc không thể bỏ qua.
Đành rằng dân bia rượu thì thích càng ồn càng vui. Tuy nhiên tiếng ồn thì cũng phải có chừng có mực phải theo đúng quy định về độ ồn nơi quán xá mà luật đã quy định.
Lắm hàng quán bia rượu bây giờ, khách uống từ sáng đến nửa đêm. Thi nhau hò hét mở nhạc ông ổng đến khuya chẳng coi thiên hạ là gì. Nhà nước đã có luật về quản lý tiếng ồn nơi công cộng và nơi cư trú. Cái lý có rồi mà không quản lý chặt nên nó mới biến tướng thế. Tuy nhiên đây mới chỉ là những quy định về cường độ vật lý của âm thanh mà thôi. Riêng cái “tiếng ồn bẩn” (ăn nói tục tĩu) thì mặc dầu đã có quy định, nhưng thật khó để mang máy ghi âm, ghi hình ra nhằm thu thập bằng chứng.
Bà bạn thân của cả nhóm chúng tôi là một bác sĩ người Hà Nội gốc, nhưng hiện nay đang sống trong TP.HCM. Bà mong ngóng cả năm cho dịp nghỉ Hè, tranh thủ ra Hà Nội gặp bè để "ôn cố tri tân". Một trong những yêu cầu của "người đẹp" là đi chụp ảnh các làng hoa Hà Nội, các danh thắng chan chứa bao kỷ niệm của thời ấu thơ và rồi tổ chức một trận bia hơi bình dân cùng cả hội bè bạn để ngắm cảnh Hồ Tây lăn tăn gợn sóng…
Bàn tiệc đặt sẵn. Thức ăn đã được bày ra đúng kiểu bia hơi bình dân. Vừa kịp gặp nhau, tay bắt mặt mừng, nâng vại bia hơi sủi bọt thì có mấy gã đầu trọc lông lốc bặm trợn, phanh áo, ngực xăm trổ đầy những hình thô tục sán đến ngồi ngay bàn bên. Chúng tôi chưa kịp trò chuyện, hỏi han thì bọn họ hễ mở mồm ra là câu nào câu nấy tục tĩu, lại hét rõ to “dô, dô, dô” như thách thức. Cả sàn bia ai cũng nhìn chúng khinh bỉ nhưng chẳng ai dám nói câu gì. Ông bạn tôi rỉ tai: Hay là ta đổi bàn ra chỗ khác? Khổ lắm, cái chỗ này nó mới có cái “view” ngắm Hồ Tây. Chỗ khác thì cũng kín rồi.
Bà bạn tôi thì ngượng chín mặt vì không ngờ cốt cách người Hà Nội văn minh, thanh lịch xưa đã biến đâu cả rồi.
Vũ Thế Long (tiến sĩ khảo cổ)
loading...