(Thethaovanhoa.vn) - Rock Trần Lập tiếp tục thắp lửa ở Paris sau khi anh mất tròn 1 tháng. Ngắm ly trà lớn nhất Việt Nam, người ta liên tưởng tới cái chum vì với kích cỡ ấy chắc chắn không thể nâng lên để uống. Thủy Tiên nổi đóa vì bị cho là bắt chước Hà Hồ, trong khi Trấn Thành than phiền vì bị bới lông tìm vết.
Đó là những tin tức nổi bật tính đến 20h ngày 18/4. Bản tin Remix Giải trí tiếp tục cập nhật.
Như thường lệ, bản tin Remix Giải trí bắt đầu bằng các tin tức quan trọng.
* Rock Trần Lập thắp lửa ở Paris
Hôm nay, chúng ta đưa tiễn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhớ nhất là một chia sẻ về ông: “Trước ngày mất, ông khá tỉnh táo và trò chuyện với bà rất nhiều. Ông còn muốn ăn cháo và muốn nghe lại những bản nhạc mà ông đã sáng tác”.
Và trong những ngày này, các bản nhạc của ông được chia sẻ rất nhiều…
1 tháng 1 ngày trước, ngày 17/3/2016, chúng ta cũng bàng hoàng trước sự ra đi quá đột ngột của nhạc sĩ Trần Lập. Hôm qua là tròn 1 tháng kể từ ngày anh qua đời.
Liveshow Đôi tay thắp lửa của Trần Lập
Không nhiều những dòng chia sẻ, những việc làm ở trong nước nhắc nhớ đến cái mốc thời gian này. Bởi thế, thật xúc động khi tại Paris đêm 17/4 (tức sáng nay theo giờ Việt Nam), Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Paris, Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp đã cùng với những bạn trẻ yêu nhạc rock Việt Nam phối hợp tổ chức buổi biểu diễn nhạc rock với chủ đề "Lửa rock sống mãi" để tưởng nhớ ca sỹ - nhạc sỹ Trần Lập vừa qua đời.
Không có clip, nhưng chúng ta cũng có thể nghe vang vọng những "Bông hồng thủy tinh", "Hoa Ban trắng", "Người đàn bà hóa đá"… được các bạn sinh viên đồng thanh hát lên nơi thủ đô hoa lệ của thế giới. Càng cảm động hơn khi phóng viên TTXVN tại Paris cho hay, trong đêm nhạc này là có nhiều người Pháp cũng rất thích thú với buổi biểu diễn. Họ cầm trên tay quyển các bài hát của "Bức Tường" và cùng nhẩm hát theo.
Ngọn lửa rock của Trần Lập vẫn còn sáng mãi.
* 100 năm giải Pulitzer: Dấu ấn Việt Nam ở đâu?
Cuối cùng là giải thưởng Pulitzer, năm nào giải này cũng trao, nhưng năm nay là 100 năm cũng là dịp đáng kể để nhớ lại.
Các giải thưởng năm nay sẽ được thông báo vào 3 giờ chiều ngày 18/4 (theo giờ địa phương, tức rạng sáng mai theo giờ Việt Nam), tức là chỉ còn vài giờ nữa.
Được nhà xuất bản tiên phong Josseph Pulitzer sáng lập từ năm 1917, trao tặng trên một số lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là ở lĩnh vực báo chí. 100 năm cũng là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những vinh quang của làng báo chí trong quá khứ cũng như hiện tại – mà hiện tại đang là quả bom tấn “Hồ sơ Panama” mà làng báo thế giới khui ra.
Ở Việt Nam, chúng ta biết rằng, trong chiến tranh chống Mỹ, hàng loạt các nhiếp ảnh gia đã đoạt giải Pulitzer khi xông pha trên chiến trường này.
Có ít nhất một người Việt Nam mà tôi biết từng đoạt giải Pulitzer là Nick Út với bức ảnh “Cô bé Napalm”, chụp ảnh cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc bị cháy hết quần áo, chạy trốn bom napalm trên con đường ở Trảng Bàng, Tây Ninh ngày 8/6/1972. Nó trở thành một trong những hình tượng ám ảnh nhất của Chiến tranh Việt Nam.
Bức ảnh đoạt giả Pulitzer của Nick Út
Nick Út được trao giải Pulitzer và bức ảnh được chọn làm Ảnh Báo chí Thế giới năm 1972. Tạp chí New Statesman của Anh năm 2010 bình chọn đây là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Nhớ nhất Nick Út ở câu nói giản dị: “Một năm sau, khi nghe tin bức ảnh giành được giải thưởng Pulitzer, tôi còn không biết giải thưởng đó là gì”.
* Ly trà lớn nhất Việt Nam và “thiết bị bay có hình dáng giống trực thăng"
Sau bánh chưng kỷ lục tại Giỗ tổ Hùng Vương ởTP.HCM, hôm nay, chúng ta lại đón 3 kỷ lục Guinness Việt Nam mới được xác lập. Đó ly trà lớn nhất, tấm lụa tơ tằm dài nhất và chiếc nong to nhất. Cả ba đều do huyện Hoài Ân (Bình Định) tổ chức xác lập và do các nghệ nhân của huyện này dày công thực hiện khoảng 4 tháng.
Thôi có lẽ, không cần ghi thông số to lớn như thế nào của các kỷ lục này, bởi chắc chắn là nó “nhất Việt Nam” rồi.
Ly trà lớn nhất Việt Nam.Ảnh:Ngaynay
Người nước ngoài có những cách gọi tên đồ vật theo kiểu định nghĩa rất buồn cười. Chẳng hạn khi Hai Lúa chế tạo máy bay trực thăng từ các linh kiện đồng nát, dù không thể cất cánh được, nhưng Tây khoái lắm, rinh sang nước họ, trưng bày tại Bảo tàng, nhưng họ không gọi là máy bay trực thăng mà gọi là “thiết bị bay có hình dáng giống trực thăng” vì trực thăng thì phải là thiết bị có đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và có thể bay được.
Cách gọi duy lý này phải nói là quá chuẩn, dù dịch sang tiếng Việt thì có vẻ hơi hài hước.
Theo cách gọi đó thì nếu ly trà Gò Loi lớn nhất Việt Nam với đường kính 1,26m, chiều cao 1,53m được mang sang triển lãm ở bên Tây, có lẽ họ không gọi là ly trà – vì ly thì phải là vật dụng có thể rót trà hay nước vào, và rồi có thể cầm tay nâng lên đặt xuống chứ? Hẳn họ sẽ gọi là “vật dụng để đựng có hình dáng giống ly trà” hoặc ngốc nghếch hơn thì họ đo kích thước của nó rồi gọi là cái chum miệng loe, có nắp.
* Bắt chước Mỹ thì vinh, bắt chước Hà Hồ thì nhục?
Chuyện váy áo của các ngôi sao, cánh đàn ông vẫn coi là chuyện nhỏ, túm lại là các nàng mặc gì cũng thế, miễn… bổ mắt là được. Thế nhưng với các quý cô thì lại là chuyện lớn.
Bộ váy áo màu vàng lòe xòe, hay bộ quần cộc áo hai dây cũng vàng chóe, hay là bộ trang phục như vũ nữ thổ dân trình diễn tại chung kết Bước nhảy hoàn vũ của Thủy Tiên? Bộ nào bị cho là giống Hà Hồ? Chẳng biết, mà cũng khó đoán. Nói chung, người ngoại đạo như tôi nhìn cái gì của các nàng mà chả đẹp, chả đỉnh như nhau?
Chỉ biết, Thủy Tiên viết status bức xúc cho rằng cô không hề bắt chước thời trang của Hồ Ngọc Hà. Thủy Tiên khẳng định cả cô và Hà Hồ đều bắt chước phong cách thời trang của các ngôi sao Mỹ.
Thời trang của hai mỹ nhân Việt, chẳng thừa nhận giống nhau, chỉ thừa nhận giống... Mỹ. Ảnh Ngoisao.vn
Thủy Tiên gửi tâm thư tuyên bố: “Tất cả châu Á này đều phải học hỏi và bắt chước xu hướng của Mỹ. Hà giỏi, Hà đỉnh, Hà tài năng nhưng không có nghĩa là chỉ có Hà mới có quyền bắt chước Mỹ là sáng tạo, còn người khác bắt chước Mỹ là copy Hà Hồ”.
“Ngay cả báo chí khi viết bài về văn hoá văn nghệ cũng nên am hiểu và có kiến thức chứ đừng kiểu quá thần tượng Hà mà viết bài dìm làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người khác nhé”.
Thế chắc là rõ ràng rồi nhỉ. Thủy Tiên bắt chước Mỹ. Hà Hồ cũng bắt chước Mỹ. Hai bản sao đều theo một nguyên mẫu thì giống nhau là đúng rồi.
Ấy thế nhưng, chả hiểu sao Thủy Tiên lại coi bắt chước Mỹ là bình thường, thậm chí là vinh dự, trong khi bị coi là bắt chước Hà Hồ thì lại ảnh hưởng tới lòng tự trọng. Đã là bắt chước, thì bắt chước ai cũng chẳng vinh dự gì. Với quan điểm này, thì rõ ràng, Thủy Tiên – Công Vinh vẫn chưa thể là cặp đôi Vic-Beck của Việt Nam, bởi Victoria là nhà thiết kế thời trang chắc chắn sẽ không có quan niệm hoặc chí ít là cách diễn đạt về sự ảnh hưởng trong thời trang một cách quá đơn giản như Thủy Tiên.
* Ai bới lông tìm vết Trấn Thành - Hari Won?
"Tôi và Hari Won đang bị bới lông tìm vết" - chúng ta cảm thông với lời chia sẻ nêu trên của Trấn Thành. "Chúng tôi không hề chia sẻ chuyện riêng tư mà là bị mọi người soi mói. Chúng tôi đang là nạn nhân" – anh nói.
Đúng, anh là nạn nhân. Hari Won cũng là nạn nhân. Sự soi mói đời tư, cộp dấu Paparazzi vào các bức ảnh chẳng phải là việc hay.
Trấn Thành - Hari Won bị soi mói đời tư là sự thật
Chỉ có điều Trấn Thành quên mất là chính anh từng chia sẻ bênh vực Hari Won ngay sau khi cô chia tay Tiến Đạt. Trong status chia sẻ đó, có câu nói nổi tiếng của anh: "Không trong chăn không biết chăn có rận", mà sau này người ta mới biết, chính anh là người trong tấm chăn đó, biết con rận đó, dù có thể anh không phải người thứ 3 mà chỉ là người đến sau.
Cách đây hơn tuần, cũng chính anh cùng Hari Won lên Cà phê sáng của VTV chia sẻ về công việc và cả mối quan hệ tình cảm của mình với cả nước.
Như vậy là nếu anh không chia sẻ, nhất là trên facebook có hàng triệu người theo dõi, thì chắc là cũng không đến nỗi bị soi mói quá đâu. Chỉ tiếc rằng anh chia sẻ hơi bị nhiều, đâm ra rước vướng bận vào thân, cũng như bệnh nói nhiều, dễ dẫn tới nói nhịu, nói từ "giao hưởng hợp xướng" lại thành ra từ bậy.
Mong anh cẩn trọng hơn, bớt chia sẻ đi, thì tự nhiên thị phi sẽ bớt.
* Học bơi lại phải học cả kỹ năng thoát hiểm khi ô tô rơi xuống nước
Mấy ngày qua, chúng ta nêu vấn lại vấn đề dạy trẻ em tập bơi, đề phòng đuối nước sau vụ 9 trẻ em ở ven sông Trà Khúc chết đuối thương tâm. Hôm nay, mọi người xót lòng trước đám tang các em. Nhưng hôm nay, mọi người cũng chứng kiến một tai nạn khác. Chiếc taxi lao xuống hồ và 4 người trên xe tử vong không biết từ bao giờ. Bởi tai nạn xảy ra lúc 4h sáng nay, nhưng phải 10h mọi người mới biết.
Chiếc taxi rơi xuống hồ khiến 4 người tử vong
Câu hỏi đặt ra là: điều gì đã xảy ra với những người xấu số này sau khi chiếc xe rơi xuống hồ? Họ đã có cơ hội nào để thoát thân không?
Trong trường hợp, họ chưa bị thương hoặc chỉ bị thương nhẹ, sức thanh niên vẫn còn khỏe mà đành chịu chết sau khi xe rơi xuống hồ thì thật vô cùng đáng tiếc. Có lẽ, cần phải hướng dẫn cho tất cả mọi người nhất là người lớn, bất kể có biết lái hay có ô tô hay không, biết cách thoát hiểm khi ô tô rơi xuống nước.
Kỹ năng sinh tồn là thứ mà học hỏi không bao giờ thừa.
Đông Kinh (tổng hợp)