(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim Hậu duệ mặt trời đang gây sốt khắp châu Á. Ở Việt Nam, tuần qua, bộ phim đứng trên lằn ranh của tận cùng yêu- ghét. Như các bộ phim thuộc lớp thứ nhất của “làn sóng Hàn” trước đó, Hậu duệ mặt trời được người trẻ nhiệt tình đón nhận, với tất cả sự say mê.
Một ứng dụng trên điện thoại cung cấp cho người tham gia có thể ghép mặt mình vào màu áo quân đội Hàn Quốc như nhân vật chính của phim cũng chóng “hot” theo. Nhiều người nổi tiếng của Việt Nam đã sử dụng ứng dụng này. Họ cũng không quên chia sẻ những hình ảnh này trên mạng xã hội.
Như giọt nước tràn ly, nhiều lời chỉ trích hướng về phía các ngôi sao và giới trẻ, những người say mê Hậu duệ mặt trời. Ký ức về sự hiện diện của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh chống Mỹ của dân tộc cũng được lục lại, một cách chi tiết. Nhiều người trách giới trẻ Việt vô tâm. Nhiều người khác bảo họ “vô can”. Không ít người bảo cuộc cãi vã vô vị…
Nam diễn viên chính Song Joong Ki trong một cảnh quay phim "Hậu duệ mặt trời". Ảnh: Soompi
Tất nhiên, mổ xẻ lịch sử và vấn đề dạy sử ở Việt Nam là câu chuyện dài hơn Cô dâu 8 tuổi. Câu hỏi đặt ra: Phim về văn hóa, lịch sử Việt ở đâu khi phim PR cho quân đội Hàn thắng thế, ngay trên sân nhà?
Ấn tượng khó quên, phim Sống cùng lịch sử năm 2014 đã làm lên lịch sử: Phim 21 tỉ ế ẩm về vé sau 2 tuần chiếu ở rạp Kim Đồng. Sống cùng lịch sử đã không được cộng hưởng, tiếp nhận dù đã chi triệu đô. Do đó, mục tiêu PR lịch sử đã không đạt được hiệu quả.
Tất nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận thành công của những Cánh đồng hoang, Ván bài lật ngửa, Thị trấn trong tầm tay… Những bộ phim lịch sử dung dị, thẩm thấu vào đời sống một cách tự nhiên. Nhưng, trong bối cảnh văn hóa đại chúng toàn cầu hiện tại, cách làm cũ đã không thể gieo vào lòng công chúng hình ảnh đẹp về những ngày đã qua.
Bi kịch, cái cũ đã lỗi thời mà cái mới chưa tới. Hoặc chưa được phép tới. Thử mường tượng nếu một bộ phim Việt PR hình ảnh người lính “lung linh”, “lụy tình” như Hậu duệ mặt trời, sự phản ứng của công chúng sẽ ra sao? Chắc không còn những cuộc tranh cãi nữa mà tất cả cùng chung một “chiến tuyến” “ném đá” bộ phim.
Như bao lĩnh vực, chúng ta cho thấy người Việt ôm đồm, cái gì cũng muốn. Chúng ta cần rành rọt giữa điện ảnh nghệ thuật và phim truyền hình phục vụ công chúng.
Chúng ta không thể và không nên nhập nhằng mục tiêu làm phim. Rằng ta vừa muốn một bộ phim nghệ thuật, “đóng đinh” vào lịch sử điện ảnh lại vừa thu hút đông đảo người xem để PR cho một đối tượng nào đó. Trong bối cảnh hiện đại, cách làm này đã không còn hợp thời.
Nhìn trong bức tranh tổng thể để thấy, hãy khoan than trách người trẻ. Thay vào đó, điện ảnh Việt nên chơi “ván bài lật ngửa” với Hậu duệ mặt trời để người Việt không sống trong “cánh đồng hoang” tri thức mà “sống cùng lịch sử”!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần