(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 4 đến 14/3 ở Nhật Bản, LHP châu Á Osaka 2016 (Osaka Asian Film Festival 2016) diễn ra và đạo diễn Phan Đăng Di là một trong ba thành viên BGK hạng mục tranh giải chính thức.
Còn tại LHP quốc tế Fribourg 2016 (International Film Festival 2016) ở Thụy Sĩ, từ ngày 11 đến 19/3, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng được mời làm BGK. Những điều này cho thấy những tiếng nói từ điện ảnh Việt Nam đã được chú ý nhiều hơn, không chỉ ở mức độ làm phim, mà còn ở mức độ góp quyết định quan trọng vào một giải thưởng.
Tại LHP châu Á Osaka 2016, ở hạng mục đặc biệt, Việt Nam có 6 phim, gồm Mỹ nhân kế, Siêu nhân X, Đập cánh giữa không trung,Cha và con và..., Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh…
Phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"
Công bằng nhìn nhận thì việc chọn 6 phim này đã là những tiếng nói đa diện và xứng đáng của phim Việt trong vài năm gần đây. Thế nhưng, để tiến tới tranh giải chính thức thì còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết.
Đầu tiên, đó là quyết tâm của những nhà làm phim cho điều này, chứ cứ an phận với việc giải trí bằng bán vé kiếm tiền đơn thuần thì còn lâu các tiếng nói, các đại diện từ Việt Nam mới được chú ý.
Đầu thập niên 1990 tại TP.HCM, mỗi năm Việt Nam làm được từ 5-6 đến 8-9 phim giải trí, rồi mau chóng rơi vào khủng hoảng thừa, phải cáo chung một thời gian dài. Năm 2015 lượng phim Việt chiếu rạp tăng gần 10 lần so với năm 2005, năm 2016 này dự kiến có thể trung bình mỗi tuần một phim Việt ra rạp. Thế nhưng, nếu chỉ làm như phần lớn những phim đã thấy trong mấy năm qua thì số lượng chẳng có ý nghĩa gì về mặt nâng cao đẳng cấp.
Ví dụ như nền điện ảnh nước láng giềng Campuchia, trong con mắt quốc tế, doanh thu chiếu phim nội địa của họ sẽ không quan trọng bằng việc họ đã góp nhiều tiếng nói đặc sắc tại các đấu trường lớn của thế giới. Từ năm 1994, phim Neak Sre (Dân lúa, ĐD: Rithy Panh) đã tranh giải chính thức tại LHP Cannes.
Khi Hiệp hội MPA khởi kiện tới Bộ VH,TT&DL ba website “ăn cắp” phim vào năm 2013, không nhiều người quan tâm đến sự kiện này.
Năm 2013, phim Lost Loves (ĐD: Chhay Bora) của Campuchia đã tranh giải Oscar tại hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất. Năm 2013, Campuchia đoạt giải Một góc nhìn tại LHP Cannes và giải Nhà làm phim châu Á của năm tại LHP Busan. Còn nhiều giải uy tín khác nữa.
Thứ hai, nếu muốn làm phim tham dự các LHP quốc tế uy tín thì ngay từ lúc dự trù kinh phí, phía sản xuất phải nghĩ đến điều này. Một số phim Việt Nam được mời tham dự nhưng đành từ chối vì không đủ kinh phí về sau.
Hơn nữa, khi không có chủ đích làm phim để dự thi, thì những tiếng nói lẻ loi như Đập cánh giữa không trung, Cha và con và... cũng rất cần những khích lệ, cổ vũ từ các nhà sản xuất thương mại. Hai phim này được quốc tế đánh giá khá tốt, nhưng thật sự thì trong nước còn khá dửng dưng, lẻ loi.
Thứ ba, và cũng là quan trọng nhất, chính khán giả cần tự nâng cấp mình lên, chứ không thể cứ an phận với việc giải trí dễ dãi. Ví dụ như mùa phim Tết vừa qua, nếu xếp về chất lượng thì Siêu trộm, Lộc phát cao hơn “Tía tui là cao thủ” rất nhiều, thế nhưng việc bán vé thì ngược lại. Với một bối cảnh khán giả như vậy cũng khó mong chờ các nhà sản xuất tư nhân cứ bỏ tiền túi ra làm phim để… vị nghệ thuật.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa