loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) cho biết, từ ngày 1/7/2017 RIAV sẽ thu phí quyền liên quan đối với các cơ sở kinh doanh karaoke. Mức thu được ấn định là 2.000đ/1 bài hát/ 1 đầu máy/ 1 năm. Mức giá này là thu cho chủ sở hữu bản ghi âm, trong đó không có tác quyền của tác giả bài hát, vì phần này Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu riêng từ nhiều năm qua.
Như vậy, từ ngày 1/7/2017 các cơ sở kinh doanh karaoke ngoài việc trả tiền tác quyền cho nhạc sĩ sáng tác các bài hát (do VCPMC thu), họ còn phải trả thêm một số tiền gọi là “quyền liên quan” cho RIAV. Tạm thời là “một cổ hai tròng”.
Tuy nhiên, như vậy các cơ sở kinh doanh karaoke cũng chưa “yên thân”, bởi RIAV chỉ thu phí quyền liên quan từ 3.000 đến 5.000 bài hát mà họ đang là chủ sở hữu khai thác tác phẩm. Trong lúc hiện nay, tùy theo thương hiệu, phổ biến mỗi đầu đĩa karaoke sử dụng khoảng 10.000 đến 20.000 bài hát.
Ngoài số lượng mà RIAV thu phí, thì phần còn lại (gấp đôi hoặc gấp ba số lượng bản ghi của RIAV) nếu có những tổ chức đại diện quyền liên quan khác đi thu, các cơ sở kinh doanh karaoke sẽ phải đeo thêm nhiều “tròng” nữa.
Sẽ tiến hành thu phí bản quyền liên quan đến bản ghi gồm quyền sản xuất bản ghi và quyền ca sỹ. Mức phí được ấn định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke với thời gian sử dụng là 1 năm kể từ ngày được cấp phép.
Chưa biết việc thu phí quyền liên quan của RIAV sẽ như thế nào, nhưng nhìn trên đại thể, với mức giá 2.000đ/1 bài hát/ 1 đầu máy/ 1 năm mà RIAV đưa ra, các cơ sở kinh doanh karaoke nếu đóng tất tần tật phí của quyền liên quan, họ sẽ phải trả thêm một số tiền bằng 8 lần họ đang nộp cho VCPMC.
Hiện nay, theo mức giá thu của VCPMC (công bố trên website của đơn vị này), mỗi phòng karaoke (tương đương đơn vị tính 1 đầu máy của RIAV) ở các thành phố lớn như Hà Nội hoặc TP.HCM phải đóng tiền tác quyền là 2.500.000đ/ năm. Nếu tính theo giá của RIAV là 2.000đ/1 bài hát/ 1 đầu máy (phòng)/ 1 năm thì mỗi phòng karaoke phải đóng cho RIAV (theo khảo sát của RIAV, ít nhất là có sử dụng 3.000 bài của họ) ít nhất là 6.000.000đ/ 1 năm.
Nếu họ đóng đủ số lượng bài hát có trong đầu đĩa karaoke, tuy mỗi đầu đĩa có từ 10.000 đến 20.000 bài, nhưng hãy lấy số lượng nhỏ nhất là 10.000 bài, thì mỗi phòng karaoke phải đóng là 20.000.000đ/ 1 năm. Nếu một cơ sở karaoke có khoảng 5 phòng thì mỗi năm họ phải đóng phí quyền liên quan là khoảng 100.000.000đ (chưa tính tiền tác quyền đóng cho VCPMC).
Tuy quyền tác giả và quyền liên quan có những mức thu khác nhau, nhưng thực tế là các cơ sở kinh doanh karaoke phải đóng thêm một khoản tiền sử dụng tác phẩm khá lớn ngoài tiền tác quyền.
Tuy nhiên, điều đáng nói là việc thu tiền bản quyền đối với karaoke hiện nay chưa đi vào một quy chuẩn. Đáng lý các đơn vị thu tiền bản quyền phải bàn bạc để thu phí cho “quyền liên quan” (gồm tác giả bài hát, ca sĩ, thu âm, phối khí) là trọn một gói. Không thể VCPMC thu phần tác giả, rồi RIAV thu phần còn lại, nhưng cũng chỉ thu 1/3 hoặc 1/4 số lượng bản nhạc có trong các đầu đĩa karaoke.
Chưa nói đến việc đơn giá như nói trên là đã phù hợp với tình hình thực tiễn hay chưa (bởi bản chất của phí tác quyền là sự thỏa thuận giữa chủ sở hữu tác phẩm và người sử dụng) thì phí của “quyền liên quan” lại xé lẻ, nhiều đơn vị đến thu, sẽ gây không ít phiền hà cho người muốn thực thi bản quyền một cách nghiêm túc.
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa
loading...