(Thethaovanhoa.vn) - Hà Nội "ôm trọn" Hồ Tây vào lòng, theo đúng nghĩa đen của từ này.
Cảm giác ôm trọn rất rõ khi ta dạo một vòng quanh Hồ, dễ tới 20 km đường nhựa quanh co. Đối với người Hà Nội hơn chục năm trước thì đó tưởng như một giấc mơ xa vời, bởi phải mất quá nhiều công sức và tiền của, Hà Nội mới biến được một Hồ Tây, từ một cái hồ "nguyên thuỷ", bị nhà cửa che khuất mịt mùng khó kiếm lối vào, trở thành một "công viên nước" khổng lồ trong lòng thành phố với bờ kè, đường dạo gần như bao kín.
Nhưng sau khi đã "ôm trọn" 500 ha Hồ Tây, dường như Hà Nội vẫn cứ để đấy, mà chưa đánh thức được nó. Hiện tượng cá chết bất thường trên Hồ Tây những ngày này khiến người ta phải nhìn lại việc khai thác và sử dụng nó, có lẽ không chỉ dừng lại ở việc nuôi cá (mà cuối cùng thì cá chết).
Rất nhiều loại cá, từ lớn đến bé đều chết nổi mặt Hồ Tây. Ảnh: Hòa Nguyễn
Hồ Tây có ô nhiễm không, đến mức nào? Có lẽ chưa có câu trả lời chính thức và cập nhật. Dẫu thế, về cơ bản, có những đoạn Hồ Tây không đến nỗi nào nên dân tình mới lội xuống tắm... Những năm 1960, theo GS Phạm Ngọc Đăng, chất lượng nước Hồ Tây còn như nước... giếng khơi, người dân có thể dùng nấu nướng. "Hàm lượng BOD5 của nước Hồ Tây còn bé hơn 6mg/l, tức là còn thuộc chất lượng nước loại A" - ông viết.
Chuyện đó giờ kể ra như thể chuyện cổ tích. Thập kỷ 1990, "ao làng" Hồ Tây đã bừng tỉnh thành "đất vàng". Quá trình đô thị hóa đương nhiên đã làm cho nước Hồ Tây không còn được sạch như trước. Và sau giấc mơ Thủy cung Thăng Long không thành, người ta đã nghĩ đến đại dự án thay nước Hồ Tây, gây ra một cơn chấn động lớn.
Dự án đã không được thực hiện mà một trong những lý do thuyết phục được đưa ra là Hồ Tây, như một hệ sinh thái khổng lồ, một cơ thể sống, có thể tự điều hòa được chất lượng nước của mình. Lý do đó khiến người Hà Nội vô cùng thỏa chí, bởi chẳng có thủ đô nào được sở hữu một cái hồ nước ngọt tự nhiên lớn như thế và cũng dồi dào sức sống như thế.
Cách đây mấy năm, Hồ Tây vướng nghi án "ốc không vẩy". Quá nhiều những mẻ ốc bắt lên từ dưới hồ trông "trần trụi" như là ốc luộc, không có lớp vảy che miệng. Hiện tượng lạ lùng đó khiến báo chí hoài nghi nước hồ ô nhiễm đến nỗi thủy sản... biến dị.
Thực tế, người viết bài này đã gặp các kỹ sư thủy sản quản lý hồ và được xác nhận rằng ốc không vảy chỉ là một loại ốc đá "du nhập" vào hồ gần đây. Chúng có tốc độ sinh sản quá nhanh nên không tích luỹ đủ can-xi để hình thành lớp vỏ.
Như thế, Hồ Tây cơ bản là sạch.
***
Thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Nội một "đại dương thu nhỏ" trong lòng mình. Một cái hồ nước ngọt lớn vào bậc nhất thế giới, hội tụ đầy đủ các điều kiện sinh thái và nhân văn, một cái hồ mù mịt hơi sương và vào những ngày gió to còn có sóng lớn. Cái hồ ấy cũng đã được đầu tư rất lớn để kè bờ, làm đường dạo, tách nguồn nước thải để có điều kiện trở thành một bể bơi sinh thái khổng lồ, lộ thiên. Ấy thế mà cá trên hồ lại đang chết hàng loạt.
Điều khó hiểu ấy khiến tôi có cảm giác, Hồ Tây vẫn ngoài tầm với của người Hà Nội. Chúng ta vẫn chỉ đi dạo loanh quanh ven hồ mà chưa thực sự tiến ra 500 ha mặt nước, chưa biết có gì dưới lòng nó và chưa khai thác nó vào ngành công nghiệp không khói của Thủ đô...
Đất đai quanh Hồ Tây đắt đỏ vào loại nhất Hà Nội. Con đường dạo với những vườn hoa, công viên nho nhỏ quanh hồ rất vắng người đi, có cảm giác như đang ở một thiên đường nghỉ dưỡng nào đó. Hồ Tây là thế!
Việc khai thác, phát huy giá trị của hồ thì vẫn còn để ngỏ. Người Hà Nội không thể mãi ra Hồ Tây chỉ để ăn bánh tôm Hồ Tây, đạp vịt và chạy bộ tập thể dục. Toàn bộ mặt nước Hồ Tây hầu như không mang lại giá trị dịch vụ gì ngoài nguồn thủy sản mà giờ đây đang bị tác động nghiêm trọng.
Hiện tượng cá chết Hồ Tây có thể sẽ được giải quyết sau vài ngày. Nguyên nhân có thể được tìm ra sau khoảng một tuần lấy mẫu xét nghiệm.
Có thể là hiện tượng bất thường của tự nhiên? Có thể là ô nhiễm cục bộ? Dù gì đi nữa thì nó cũng là đánh thức sự quan tâm trở lại của Hà Nội với một thiên đường mặt nước ở ngay trong nội thành.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa