loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay, 5/9, lễ khai giảng sẽ diễn ra ở gần như toàn bộ các trường học trên cả nước. Nói cách khác, với ngành giáo dục, một vòng quay của năm học mới lại bắt đầu.
Những ngày qua, dư luận đã mất nhiều thời gian để bàn luận và lo lắng về căn bệnh hình thức, cũng như sự máy móc nặng nề từng có trong các lễ khai giảng. Nhưng, có lẽ, sau ngày hôm nay, nỗi lo ấy rồi cũng đến lúc phải... trôi đi.
Trôi đi, bởi câu chuyện ấy dù sao cũng chỉ gói gọn trong khuôn khổ một ngày. Và, khi nhìn tới vòng quay kéo dài gần 300 ngày khác của một năm học mới, chắc chắn các phụ huynh học sinh sẽ tiếp tục phải bước sang những nỗi lo khác nữa.
Vì, trong bối cảnh của chúng ta, giáo dục và những câu chuyện thuộc về nó vẫn luôn là một lĩnh vực nóng và nhận về những phản biện gay gắt nhất từ cộng đồng.
Những phản biện ấy tất nhiên đến từ mặt bằng chất lượng – mà thẳng thắn là chưa thể hoàn hảo – của nền giáo dục nước nhà. Hơn thế, nó còn đến từ nhận thức đang dần thay đổi từ mỗi gia đình, khi mà chuyện giáo dục tri thức cho trẻ em ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu của một xã hội phát triển.
Và, dù bất đắc dĩ, người viết vẫn phải quay lại những nỗi lo mà dư luận và báo giới đã đặt ra với ngành giáo dục trong thời gian qua.
Đó là nỗi lo về cơ sở vật chất. Chưa cần nói tới những vùng xa, nhiều địa phương ngay tại Thủ đô Hà Nội vẫn đang thiếu lớp học nghiêm trọng. Đơn cử, huyện Mỹ Đức còn thiếu 91 phòng học, bởi thế rất nhiều lớp học tại đây phải mượn tạm nhà kho hoặc nhà văn hóa thôn để làm nơi giảng dạy cho các em.
Đó là nỗi lo từ đội ngũ "trồng người". Ở đây, người viết tạm thời không nhắc lại những tiêu cực trên bục giảng dưới sự chi phối của kinh tế thị trường. Năm 2017 này, câu chuyện vừa xảy ra ở trường tiểu học Nam Trung Yên đã khiến dư luận phẫn nộ và giật mình về một câu hỏi khác: sự giả dối và vô cảm ngay từ những người có nghĩa vụ phải là tấm gương cho các em về đạo đức.
Và, "nóng" hơn hết, đó là câu chuyện về hành trình đổi mới của ngành giáo dục để đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Hành trình đổi mới ấy gắn với rất nhiều thay đổi về chương trình giảng dạy, về cách tổ chức các kì thi, thậm chí về cả chính sách đãi ngộ và thu hút chất xám trong công tác giảng dạy. Vẫn lại trong năm 2017 này, câu chuyện về ý tưởng thí điểm bỏ biên chế nghề giáo viên, về sự u ám của các trường sư phạm với số điểm tuyển sinh quá thấp, về cơn "mưa điểm 10" trong kì thi tốt nghiệp (ít nhiều dẫn tới việc điểm chuẩn cho kì thi đại học tăng vọt)... chính là những ví dụ để chúng ta tiếp tục băn khoăn và lo lắng cho hành trình đổi mới này.
Có một câu chuyện đã trở nên rất quen thuộc trong những năm qua: cứ gần đến ngày khai giảng, chúng ta lại cùng bức bức xúc và lo ngại về "chủ nghĩa hình thức" ở ngày lễ trọng đại này.
Bởi, chắc chắn, với những khó khăn hiện tại, hành trình đổi mới ấy chưa thể sớm đạt được hiệu quả như chúng ta mong muốn.
***
Viết tới đây, hẳn sẽ có những ý kiến trách tôi đưa ra những câu chuyện quá u ám và bi quan trong ngày khai giảng.
Quả thật, những gì vừa được nhắc tới chỉ là một phần của bức tranh tổng thể về giáo dục. Và, bên cạnh những gam màu trầm ấy, ngành giáo dục của chúng ta vẫn có những điểm sáng tự thân của mình.
Thế nhưng, người viết muốn nói thêm: những câu chuyện vừa chia sẻ đang là nỗi lo của phụ huynh. Của những người lớn.
Hãy cứ để các em học sinh giữ được sự hân hoan trong nhịp trống khai trường, với sự hồn nhiên vốn có ở tuổi mình. Nhưng, sẽ không thừa, nếu chúng ta cùng thẳng thắn đặt ra những nỗi lo ấy với nhau.
Bởi, xét cho cùng, câu chuyện của giáo dục không chỉ đến từ nhà trường và xã hội. Nó còn là trách nhiệm của chính những phụ huynh chúng ta, để động viên, san sẻ và cùng các em vượt qua những khiếm khuyết của một nền giáo dục đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
loading...