(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì mưa phùn, khí lạnh cũng đã về với Hà Nội, cảm nhận về một mùa Đông không lạnh đang trở nên rõ ràng hơn với mỗi cư dân thành phố.
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đã bật lên cảm xúc,
“Cuối cùng Hà Nội đã đành Đông/ Tháng Giêng đùa cợt sóng ven sông/ Bờ bãi chênh vênh chia bồi lở/ Ai đem cát đổ trắng nhớ mong”.
Một mùa Đông Hà Hội hơn 20 năm trước (Ảnh: Dương Minh Long)
Nhiều ngày liên tục, trời mưa trắng xóa, mịt mùng, rả rích ngày đêm. Đường phố ẩm ướt, lầy lội, cái rét thấu da, cắt thịt… khiến cho không ít người nhanh chóng quên đi nỗi nhớ mong về một mùa Đông trước đó.
Chị Nguyễn Thuỳ Linh, một người bán hàng ăn tại quận Ba Đình, co ro trong cái rét phàn nàn, “mưa lạnh, khách cũng thưa thớt, mà cuối năm tranh thủ bán buôn nên không dám nghỉ hàng.”
Chưa hết, chị Linh tiếp tục chia sẻ, hai đứa con trai đi học có mấy bộ đồng phục giặt phơi mấy ngày chưa khô. Trời cứ mưa như vậy, chị sợ con mình không có đồ sạch mặc đi học.
Cùng một hiện tượng của đời sống, với người này là buồn chán, ở người khác lại là niềm vui.
Chị Phạm Quỳnh Liên, người bán quần áo, chăn, ga gối đệm tại một chợ truyền thống, trong quận Long Biên, mắt ánh lên nụ cười với những may mắn mà thời tiết đã mang lại cho mình: “Không có đợt rét này thì chắc gia đình tôi không có tiền ăn Tết. Đầu mùa Đông, tôi nhập một lô hàng cả trăm triệu đồng. Không ngờ năm nay trời nóng như mùa hè, hàng tồn chất đống. Mấy tháng qua, tiền thuê nhà cũng không kiếm đủ, nói gì đến lãi.”
Vì là cuối năm, ngoài trời có mưa, có rét đến đâu, đối với nhiều người cũng phải ra đường. Do đó, ách tắc giao thông đã xảy ra ở nhiều nơi, thậm chí không phải là giờ cao điểm. Điều này cũng làm cho tâm trạng thay đổi, bạn trẻ Nguyễn Lâm Vũ, sống ở quận Từ Liêm than phiền, “trước đó thì mong mùa Đông lắm nhưng giờ thì chán rồi, đường thì trơn, đi đến đâu cũng tắc. Giờ tan tầm, em đi từ Hồ Gươm về đến nhà mất gần một giờ đồng hồ. Tay, chân ngấm mưa nhợt nhạt, lạnh ngắt, quần áo ẩm ướt thật là khó chịu.”
Trong cuộc sống, hầu như mọi cảm xúc về một mùa Đông thiếu giá rét rồi cũng qua đi, chỉ là ven đường những cây bàng đã không còn “mồ côi,” những chiếc lá xám ngắt vì nhuốm bụi mù, nhếch nhác vẫn đang cố trụ trên cây, không chịu nhường chỗ cho những chồi non xanh biếc nhú lên trong những độ Xuân về như trước nữa.
Cây bàng bất ngờ ra quả trong một mùa Đông vắng giá rét tại Hà Nội. (Ảnh: Vietnam+)
“Biến đổi khí hậu”, là điều quá rõ ràng nhưng dường như nó cũng chỉ đọng lại trong lòng của những người nghệ sĩ. Chỉ có họ mới tiếc nuối về một mùa Hà Nội vắng những cơn mưa, vắng bóng khăn quàng bay bay trong gió lạnh.
Trên các phương tiện đại chúng, đâu đó cũng đưa tin các cơ quan chức năng giải thích về Hà Nội đang trải qua mùa Đông khác thường khi nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 12 tại Thủ đô đạt mức cao nhất (cao hơn cùng kỳ khoảng 4ºC) trong vòng 10 năm qua.
Một chuyên gia trong ngành khí tượng cho biết, mức chênh lệch này là một con số khủng khiếp và nó đang tác tác động rất lớn đến sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi…
Tuy nhiên về chính thức, cả thành phố chưa có những báo cáo khoa học nghiêm túc công bố đến dân chúng, về những tác động hiện hữu và dự báo ảnh hưởng môi trường cùng những giải pháp thích ứng trước của sự kiện biến đổi khí hậu cực kỳ nghiêm trọng này.
Nhận thức về những tác động môi trường lên đời sống, xã hội “chậm chạp” là một thực tế chung và nó diễn ra trên toàn cầu, không riêng tại Việt Nam.
Theo giáo sư Jared Diamond tác giả của cuốn Sụp đổ, có ba lý do. Thứ nhất, đây là những vấn đề mà tác động khó nhận biết (bằng trực quan), tiếp đến những người quản lý ở rất xa và không sâu sát với thực tế. Cuối cùng, các vấn đề trên không thể nhìn thấy là vì nó bị che khuất bởi những cái vỏ dao động lên xuống, theo cách nói thông thường là “bình thường hoá” (sự dịch chuyển từ từ khó nhận ra).
Giáo sư chỉ ra quan điểm chung của mọi người trong xã hội, “nếu những vẫn đề về môi trường thực sự trở nên nghiêm trọng, thì có lẽ còn lâu chúng mới diễn ra và khi đó tôi đã chết rồi nên chẳng cần phải lo lắng.”
Ông chia sẻ, phần lớn chúng ta đều có con cái và đặt tương lai của chúng với những ưu tiên hàng đầu về thời gian và tiền bạc. Chúng ta không tiếc tiền cho con em học tập, ăn mặc, di chúc tài sản, mua bảo hiểm cho chúng và làm tất cả những gì có thể để những đứa trẻ có cuộc sống tốt đẹp hơn cho đến cuối đời.
Có thể nói rằng Hà Nội, mùa vắng những cơnmưa là một trong những đĩa nhạc hay nhất về Thủ đô bởi nó tập hợp được nhiều ca sĩ nổi tiếng mà các bản thu trong đĩa đã gắn liền tên tuổi với người hát.
Vì vậy, giáo sư Diamond đã thẳng thắn chỉ trích một hành vi trái ngược đang được diễn ra, “chúng ta không ngần ngại làm tất cả những điều tốt đẹp cho con em mình, trong khi vẫn đang làm những việc gây tổn hại cho thế giới mà lũ trẻ sẽ sống trong vòng từ nay cho đến 50 năm sau”.
Hạnh Nguyên - Vietnam+