loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày qua, việc các hiệp sĩ đường phố tại TP.HCM gặp nạn đã thật sự gây chấn động dư luận, khi 2 hiệp sĩ tử vong và 2 bị thương nặng trong lúc bắt cướp.
Sự đau đớn và thương cảm là những cảm xúc đang được cộng đồng chia sẻ. Trong cảm nhận chung của chúng ta, họ là những con người hành hiệp theo tinh thần Lục Vân Tiên:“Nhớ câu kiến ngãi bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Nhưng, những hiệp sĩ vừa tử nạn không định làm anh hùng. Lựa chọn của họ, chỉ đơn giản từ sự căm thù cái xấu, cái ác mà không thể không làm.
Tinh thần trượng nghĩa này trở thành truyền thống tốt đẹp của đất Nam Bộ mấy trăm năm qua. Không phải ngẫu nhiên mà TP.HCM và Bình Dương lại có nhiều nhóm hiệp sĩ như vậy. Nhóm vừa thọ nạn do anh Trần Văn Hoàng (quận Tân Bình, TP.HCM) làm nhóm trưởng đã có hơn 20 năm hoạt động, bắt thành công hơn 500 vụ trộm cướp.
Khi các hiệp sĩ nằm xuống, vì xót xa, có nhiều ý kiến cho rằng nên giải thể các nhóm hiệp sĩ này, vì quá nguy hiểm cho bản thân và gia đình họ. Rõ ràng tay không bắt cướp là quá nguy hiểm, nếu có trang bị thêm kỹ năng, thêm nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ thì khả năng bảo vệ bản thân, trấn áp tội phạm sẽ tốt hơn. Nhưng ở cấp độ quản lý, thật khó để có cơ chế trang bị này, vì Nhà nước đã có các lực lượng chuyên nghiệp và chính quy để thực thi.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng các hiệp sĩ này có thể không được phép công khai đi bắt cướp như vậy. Thật ra ở khía cạnh luật pháp, thì mọi công dân đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang để giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Vậy thì các hiệp sĩ này là các công dân đó, họ bắt cướp cũng là hành động đúng và đẹp. Chưa nói họ còn đẹp ở khía cạnh đạo đức và trượng nghĩa, chứ nếu mọi người cứ thờ ơ, vô cảm, chỉ trông chờ vào các cơ quan chuyên trách, thì chắc chắn một số tên trộm cướp đã không bị “bắt gọn” trên đường phố nhờ các hiệp sĩ.
Khi các hiệp sĩ nằm xuống, nỗi đau và mất mát thật khó bù đắp được, nhưng tự bản thân họ, chắc cũng không quá ân hận, vì đây là hành động tự nguyện. Họ tự nguyện và bất vụ lợi trong việc góp sức đem lại bình yên, an toàn cho cuộc sống, trong đó có cuộc sống của chính gia đình mình, nên cũng tiên liệu được khó khăn, nguy hiểm.
Không nên khuyến lệ, cổ vũ những sự hy sinh như thế này, nhưng cũng không nên ngăn cản, vì tự mỗi người đều có quyền hy sinh cho những điều tốt đẹp, chính nghĩa. Tương tự, nếu không có sự dấn thân và hy sinh trong khoa học, nghệ thuật, cách mạng… thì cuộc sống khó có được sự tiến bộ, bình an, hạnh phúc. Như lời trong ca khúc “Một đời người một rừng cây” của Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ sẽ dành phần ai?”.
Khi các hiệp sĩ nằm xuống, chính quyền TP.HCM một lần nữa cam kết sẽ quyết liệt hơn trong việc phòng chống tội phạm. Và đúng như vậy, đến cuối ngày 14/5, một nghi phạm trong vụ đâm chết 2 hiệp sĩ đã bị bắt, việc truy bắt 3 nghi phạm còn lại sẽ nhanh chóng hơn vì đã có được manh mối.
Khi các hiệp sĩ nằm xuống, cũng có người hiến kế rằng: Có thể chưa được phép trang bị công cụ hỗ trợ cho các hiệp sĩ, nhưng việc dạy họ thêm các kỹ năng chiến đấu với trộm cướp dùng dao găm, mã tấu, gậy gộc… thì có thể làm được. Các hiệp sĩ cũng vậy, ngoài tinh thần trượng nghĩa, tự mình cũng nên trang bị thêm các ngón nghề hữu hiệu khi cận chiến với các hung khí của trộm cướp. Làm sao để tinh thần Sài Gòn nghĩa hiệp được nhân rộng, cuộc sống thêm nhiều điều tốt đẹp, mà bản thân người hành hiệp bớt gặp nguy hiểm, bớt phải hy sinh đáng tiếc.
Ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục người có công cho biết, theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng thì những trường hợp người dân xả thân cứu người, truy bắt tội phạm đều có thể được công nhận là liệt sĩ.
Vô Ưu
loading...