(Thethaovanhoa.vn) - Vài năm trở lại đây, cứ một hai tháng sắp Tết thì đường sá ở TP.HCM đông đúc kinh khủng, bất kể giờ nào, đôi khi một cây số mà chạy xe máy mất hơn 30 phút.
Lý giải điều này rất dễ, vì đã có quá nhiều cách lý giải rồi, cách nào cũng có lý, từ yếu về quy hoạch đô thị cho tới yếu về văn hóa
giao thông. Nhưng thực sự cũng rất khó đi vào bản chất, vì nói vậy, nhưng có khi không phải vậy, chỉ nhìn vào hiện tượng thì dễ thấy mà thôi, năm sau kẹt xe (tắc đường, ùn tắc giao thông) nhiều hơn năm trước, và có lẽ còn nhiều lên trong một hai thập niên nữa. Tại sao thế?
TP.HCM dịp cuối năm dân chúng các tỉnh và vùng lân cận ùa về làm ăn rất nhiều. Dịp cuối năm, nhiều người tối ngủ Bình Dương, Long An, Đồng Nai…, ngày làm ở TP.HCM là rất bình thường. Rồi chính người dân tại TP.HCM cũng vậy, nhiều người “ở nhà” cả năm, vài tháng cuối tìm việc để có tiền tiêu Tết, nên thêm chộn rộn.
Nhìn kẹt xe ngoài đường là vậy, nhưng phía sau nó là rất nhiều câu chuyện, mà cơ hội việc làm và sự mất bình đẳng về cơ hội việc làm chỉ là một. Nếu quy hoạch tương đối cân đối giữa các tỉnh thành thì việc duy chuyển vào các đô thị lớn sẽ giảm áp lực rất đáng kể.
Nạn ùn tắc trên các tuyến đường ngày càng trầm trọng
Chứ chỉ cần rời TP.HCM đi chục cây số để qua các tỉnh lân cận, sự chênh lệch cơ hội việc làm đã quá rõ rệt, việc người dân phải “di cư tự phát” để tìm việc, để tồn tại là đương nhiên.
Nói đâu xa, ngay trong địa bàn TP.HCM, chỉ cần đến các huyện như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi… thì đủ thấy khá rõ việc thiếu sự điều phối vĩ mô trong cách bố trí công việc. Cho nên nhiều người dân ở TP.HCM “phải vào” TP.HCM (ý nói trung tâm) để làm những việc, mà đáng ra, có thể làm ngay tại địa bàn sinh sống.
Việt Nam vẫn còn là nước nông nghiệp, thế nhưng chưa bao giờ nông nghiệp bị mất công cụ, phương tiện và nhân lực cho việc sản xuất nhiều như 10 năm qua. Đất đai sản xuất thu hẹp nhanh chóng, người làm nông khó cải thiện được thu nhập, thành ra những lúc nông nhàn, dịp cuối năm… họ lại ồ át về các thành phố lớn để kiếm việc làm kiểu thời vụ.
Theo Bộ Giáo dục & Đào tạo thì năm 2015 cả nước có khoảng 22,21 triệu học sinh - sinh viên (tăng hơn năm học trước khoảng 337.937 người), trong đó có 15,08 triệu học sinh phổ thông. Riêng số học sinh phổ thông này nói lên điều gì? Rằng chỉ 5-7 năm nữa thôi sẽ có hàng triệu xe gắn máy tiến vào các thành phố lớn, mà chủ yếu là TP.HCM và Hà Nội, đường sẽ kẹt nhiều hơn là đương nhiên.
Nhiều ý kiến bi quan còn cho rằng kẹt xe hiện là “bản sắc đặc biệt” của dịp sắp Tết, còn trong tương lai, sẽ là “bản sắc” quanh năm suốt tháng!? Xây đường, làm cầu, mở rộng lối đi… bao nhiêu cũng chỉ là giải pháp tình thế, nó sẽ khó theo kịp tốc độ gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa, nơi thu hút phần lớn tuổi lao động ở nông thôn vào các đô thị lớn. Chỉ khi nào người dân thấy học, làm việc, sinh sống… trên chính bản quán của mình cũng lợi như thành phố lớn thì việc kẹt xe mới có khả năng được cải thiện đáng kể.
Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa