loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Phải tới tuần qua, những lo lắng về số phận 2 bức tranh tường tại chợ Mơ mới tạm được dẹp yên - khi Sở VH,TT Hà Nội khẳng định rằng chúng sẽ được di dời nguyên trạng ra khỏi khu vực giải tỏa, tiếp theo sẽ tính đến địa điểm đặt và trưng bày.
Họa sĩ lớp trước gác cọ vì mắt mờ chân chậm. Họa sĩ lớp mới lao vào những cuộc “cách tân” đồ họa triền miên nhưng vẫn chưa hình thành được diện mạo mới.
Nằm trên các mặt tường thuộc khu vực chợ Mơ (ngã tư Bạch Mai – Minh Khai) 2 bức tranh thuộc về phần “khoanh đỏ” của dự án đường vành đai 2 được quy hoạch đi qua đây. Và, khi một số ngôi nhà gần đó bắt đầu được phá dỡ để mở rộng đường, rất nhiều người đã lo 2 bức tranh sẽ bị phá.
Vậy, có gì ở 2 bức tranh ấy?
Trong 2 bức tranh, một bức là tranh ghép gốm với hình ảnh một phụ nữ mặc áo dài như đang bay lên cạnh Tháp Rùa. Bức thứ hai là một phù điêu đắp nổi với các nhân vật được thể hiện tinh thần đoàn kết công-nông-trí.Tất cả đều được thực hiện bởi cố họa sĩ Trường Sinh - một chuyên gia về tranh cổ động - vào các năm 1981 và 1982, nghĩa là khoảng gần 40 năm trước đây.
Cần nhắc lại, dù ở dạng áp phích hay ở dạng nghệ thuật hoành tráng (như 2 bức tranh tại chợ Mơ), tranh cổ động tại Việt Nam từng có giai đoạn phát triển khá mạnh cả trong chiến tranh lẫn thời kì đầu hòa bình. Và, cho dù những bức tranh cổ động mang đề tài và phong cách như vậy gần như không còn xuất hiện ở giai đoạn hiện tại, vẫn không thể phủ nhận: Đó chính là những vật chứng của một giai đoạn lịch sử - cả về phong cách, chất liệu, ý tưởng và những cột mốc thời gian đi cùng.
Chẳng hạn, trong 2 bức tranh tại chợ Mơ, bức tranh ghép gốm được áp dụng công nghệ điển hình của thập niên 1980 - khi các mảnh gốm được cắt bằng tay (thay vì dùng máy cắt gốm hoặc cắt sẵn rồi mới nung như ngày nay). Rồi, thay vì những nam thanh niên khỏe mạnh, việc khắc họa hình ảnh một cô gái, mềm mại, thướt tha trong tà áo dài cũng được coi là một nét mới trong giai đoạn phát triển của tranh cổ động thời kì đầu hòa bình.
Hoặc, ở một góc độ khác, ý tưởng của bức tranh này - về sự “bay lên” của người dân Thủ đô bên cạnh việc bảo tồn nguồn cội ( với các họa tiết trống đồng và tháp rùa) - cũng có thể coi là một giấc mơ rất duyên dáng và lãng mạn của người Hà Nội trong thời kỳ gian khó.
***
Việc ngành văn hóa đồng thuận để bảo vệ 2 bức tranh này (và sẽ tìm nơi trưng bày phù hợp) tất nhiên là câu câu chuyện đáng mừng- khi Hà Nội đã chú ý hơn tới việc gìn giữ những di sản đô thị của mình.
Nhưng từ đó, chúng ta bỗng nhớ lại một thực tế không mấy vui: những bức tranh cổ động trong quá khứ đang dần chìm vào quên lãng, sau khi phần nào hoàn thành sứ mệnh mà lịch sử giao cho nó.
Vài năm trước,trong một cuộc tọa đàm của ngành mỹ thuật về vấn đề này, các chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra: Trong khi những bức tranh cổ động cũ của Việt Nam được khách quốc tế hào hứng sưu tầm, thì bản thân khán giả trẻ bây giờ lại dễ dàng thờ ơ, vì coi đó là sản phẩm của những ngày xưa cũ. Và chính trong cuộc tọa đàm ấy, cố họa sĩ Trường Sinh cũng ở vào tâm trạng... nửa buồn nửa vui, khi biết những bức tranh cổ động từ nửa thế kỷ trước của mình thường được in lại chỉ để bày bán trong những “phố Tây”.
Sự thực, những sản phẩm của một thời xưa cũ đều có thể tồn tại và phát huy giá trị của mình trong dòng chảy hiện đại, nếu có một cách tiếp cận và khai thác phù hợp.
Giống như, chúng ta vẫn bắt gặp một vài bức tranh cổ động được bày trang trọng trong những quán cà phê hoặc quán ăn được trang trí theo những âm hưởng hoài niệm về thời bao cấp. Và giống như một ý tưởng rất đẹp của các chuyên gia: Thay vì di dời, 2 bức tranh tường ở chợ Mơ nên được bảo vệ bằng cách “nắn đường” để giữ khu vực có tranh ở nguyên trạng và cải tạo chúng thành một không gian công cộng.
Chuyện ấy có thể khó thực hiện, nhưng cũng là một gợi mở cho cách chúng ta ứng xử với các di sản đô thị khác, sau này.
Sơn Tùng
loading...