A+ A A- Kiểu đọc sách

Góc nhìn 365: 'Nhật ký đi tiêm vắc xin' gây sốt

06:45 10/08/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa dòng thông tin căng thẳng về diễn biến của dịch Covid-19, bộ tranh Nhật ký đi tiêm vaccine của tác giả Xuân Lan bỗng trở thành một điểm sáng trong tuần qua và được dư luận đặc biệt quan tâm.

Góc nhìn 365: 'Nhiệm vụ mới' của bích họa ở Hà Nội

Góc nhìn 365: 'Nhiệm vụ mới' của bích họa ở Hà Nội

Giữa dòng thác thông tin trong tuần qua, sự xuất hiện của những bức bích họa trên ngã tư Bạch Mai - Lê Thanh Nghị (Hà Nội) chỉ là một sự kiện rất nhỏ. Thế nhưng, thực tế, nếu đi qua trục phố này, bạn chắc chắn sẽ phải... ngoái nhìn.

18 bức tranh ấy mang dáng dấp một câu chuyện ngắn, gắn với hành trình của một cô gái trong quá trình tiêm vaccine ngừa Covid -19. Ở đó, người xem được chứng kiến tất cả hành trình mà cô trải qua, từ khi đăng ký, nhận thông báo về thời gian và địa điểm qua tin nhắn, tới khám sàng lọc, tiêm, nghỉ ngơi hồi sức, lắng nghe lời chỉ dẫn của bác sĩ rồi về nhà và trải qua những phản ứng nhẹ trước khi phục hồi.

Tất cả chỉ có vậy - giống như điều mà chúng ta đã chứng kiến khi đi tiêm vaccine hoặc tìm hiểu qua báo đài. Thế nhưng, nét vẽ dễ thương, lời thoại trẻ trung và chút hài hước của tác giả lại khiến câu chuyện ấy trở nên cuốn hút, sống động.

Chú thích ảnh
"Nhật ký đi tiêm vắc xin" của Xuân Lan lại gây sốt

Đáng nói hơn, hành trình của nhân vật chính trong bộ tranh cũng gắn liền với cảm nhận về sự ân cần, tâm lý của đội ngũ y tế, cũng như sự nhường nhịn cảm thông giữa những người có mặt tại điểm tiêm phòng. Bên cạnh việc chia sẻ những kiến thức cần có về tiêm vaccine, sự ấm áp từ câu chuyện ấy hẳn cũng khiến những độc giả trẻ cảm thấy nhẹ nhàng và bớt đi những căng thẳng khi nghĩ tới việc nhận một liều vaccine vào cơ thể.

Bởi thế, không lạ khi vào đầu tuần trước, bộ tranh ấy nhận về hơn 5.000 lượt thích và 1.000 ngàn lượt chia sẻ ngay khi vừa xuất hiện - để rồi tăng lên vùn vụt sau thời điểm được đăng lại ngay trên fanpage của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc). Và cũng không lạ khi tác giả của nó, một cô gái vốn quen thuộc với cộng đồng sáng tác truyện tranh Việt Nam, cũng từng khiến độc giả đặc biệt hào hứng vào tháng trước với bộ tranh tương tự về câu chuyện của những em bé trong khu cách ly.

Chú thích ảnh
Hình ảnh trong bộ tranh "Nhật ký đi tiêm vaccine"

Bởi như lời Xuân Lan, cô muốn “làm nổi bật lên những hình ảnh đáng yêu, như những "điểm sáng nhỏ" trong mùa dịch này”.

***

Hơn 1 năm qua, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, hàng chục cuốn sách gắn với đề tài này đã ra đời và đến tay độc giả Việt Nam. Đó có thể là những sáng tác văn học lấy bối cảnh bệnh dịch, những cuốn cẩm nang phổ biến kiến thức, những cuốn nhật ký ghi chép lại trải nghiệm của tác giả và cả những sáng tác dành cho thiếu nhi được dịch từ nước ngoài.

So với những ấn bản “chuyên nghiệp ấy”, những bộ truyện tranh tự sáng tác và chia sẻ trên không gian mạng - và đôi khi rất ngắn, chỉ gồm vài bức tranh - có phần khá khiêm tốn về quy mô. Thế nhưng, những bộ tranh ấy lại vẫn có câu chuyện riêng, khi mà chúng được các bạn trẻ vẽ với tất cả cảm xúc của mình, rồi được cộng đồng chia sẻ như một cách để cổ vũ, cùng nhau chung tay chống dịch.

Bên cạnh Xuân Lan, trong quãng thời gian qua, dư luận còn nhắc tới Nguyễn Đạo Nhất Đan, chàng họa sĩ tự do ở độ tuổi 9x từng lập ra trang Nhật ký chống dịch. Ở đó, người đọc được thưởng thức những bộ truyện tranh rất gần gũi và bình dị về mọi thứ đang diễn ra hàng ngày trong cuộc chiến chống Covid-19, chuyện anh tài xế Grab từ chối tiền xe của bác sĩ “vì sợ có tội với Tổ quốc”; chuyện nữ tình nguyện viên viết lên tay dòng chữ “chưa có người yêu” trước khi nhập cuộc, chuyện tuần “trăng mật” đặc biệt của cặp vợ chồng bác sĩ trẻ trong khu cách ly…

Hoặc, một trường hợp khác là Thăng Fly (Bùi Đình Thăng), chàng họa sĩ có tới gần 1,5 triệu lượt theo dõi trên Facebook. Ở giai đoạn cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn ra căng thẳng nhất, mọi nội dung khác trên trang cá nhân của Thăng đều “lùi xuống” - dù có thể gắn với công việc hàng ngày - để nhường chỗ cho những phần truyện tranh truyền cảm hứng tới cộng đồng. Như lời Thăng, bằng đồng cảm, nhiều bạn trẻ vẫn hàng ngày gửi tới anh những câu chuyện xúc động đang diễn ra quanh mình, rồi chờ chàng họa sĩ trao đổi, xác minh và thể hiện chúng qua nét bút.

Như thế, không có sự đóng góp nào là nhỏ bé trong bối cảnh cuộc chiến chống Covid-19 vẫn cần sự chung sức và đồng lòng của cả cộng đồng. Nhất là khi, những mẩu truyện tranh trên không gian mạng lại xuất phát từ vô vàn những câu chuyện bình thường nhưng đầy xúc động mà chúng ta có thể gặp mỗi ngày trong mùa dịch...

Trí Uẩn

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...