loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh hai thanh niên mặc trang phục bảo hộ y tế nằm ngủ bên vỉa hè lúc tờ mờ sáng đang liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua, kèm theo vô vàn xúc cảm.
Cảm giác đầu tiên khi được khám sàng lọc trước lúc tiêm là hồi hộp, nên tim tôi đập có chút nhanh và huyết áp có vẻ cao. Anh bác sĩ trẻ bật cười, bảo: “Anh cứ bình tĩnh, rồi sẽ được tiêm mà”.
Tác giả của bức ảnh là một người đàn ông lớn tuổi tại Điện Biên. Giữa tuần trước, dậy tập thể dục sớm, ông bắt gặp cảnh tượng trên và nhận ra hai nhân viên y tế nhờ bộ trang phục đặc thù. Khi được đánh thức dậy và đề nghị giúp đỡ, câu trả lời từ họ khá đơn giản: “Chúng cháu mệt quá, chỉ cần ngủ khoảng 15 phút thì lại đi tiếp được thôi”.
Như những gì được tìm hiểu, phía sau câu trả lời đó là hành trình 2 đêm thức trắng của 2 cán bộ trung tâm y tế huyện Mường Chà (Điện Biên) khi được cử xuống địa phương chống dịch. Để rồi, khi kiệt sức và không thể đi tiếp, họ đành ngủ tạm bằng cách ghé lại bên đường.
Sự xúc động của cộng đồng trước câu chuyện ấy có thể thấy ngay từ lời kể rất thật của người chụp ảnh. Ông bảo rằng mình muốn ứa nước mắt, chỉ biết tạm biệt 2 cán bộ y tế bằng câu nói: “Xin lỗi vì đã làm phiền, thôi các anh nghỉ chút đi”. Và, nó còn là những giọt nước mắt của giám đốc Sở Y tế Điện Biên, người đã bật khóc khi xem hình ảnh 2 cán bộ của mình đang ngủ bên đường. Kể với báo giới, ông chia sẻ một câu chuyện rất thật rằng mình cũng vừa mang đường sữa, thịt hộp cho cán bộ y tế tăng cường xuống địa phường, bởi anh em “trực chiến” đã ăn mì tôm suốt cả tuần qua.
Hình ảnh và những câu chuyện giản dị kèm theo nó đôi khi có sức mạnh hơn muôn ngàn lời có cánh. Bởi, một cách chân thực nhất, chúng giúp chúng ta hiểu rằng các “chiến sĩ áo trắng” cũng là con người và đang phải vượt qua những giới hạn chịu đựng của bản thân trong cuộc chiến chống dịch những ngày này.
Giống như, cũng là những bức ảnh, vào ngày 22/5 vừa qua, rất nhiều độc giả đã muốn ứa nước mắt trước những gì vừa được ghi lại tại “ổ dịch” Bắc Ninh. Ở đó, sau những giờ làm việc đến kiệt sức để xét nghiệm 28.000 mẫu bệnh phẩm, có những y bác sĩ nôn mửa, không cởi nổi bộ đồ bảo hộ và ngất xỉu, trong khi vô vàn những đồng nghiệp của họ tranh thủ gục xuống bậc thềm bê tông để chợp mắt giữa cái nóng mùa Hè...
Không phải ngẫu nhiên mà ngày 23/5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhắc tới hình ảnh những bác sĩ ngất xỉu trong lúc căng mình chống dịch và khẳng định rằng đó là hình ảnh gây xúc động rất mạnh với toàn Đảng, toàn thể đồng bào, nhân dân cả nước.
Và cũng không phải ngẫu nhiên, vào tuần trước, hình ảnh một chiến sĩ cảnh sát giao thông tại Bắc Giang đứng nghiêm, giơ tay chào đoàn xe chở y bác sĩ từ Quảng Ninh tới “chi viện” lại được cộng đồng hưởng ứng nhiều đến vậy. Bởi, sự trân trọng của anh chính là biểu trưng cho sự trân trọng và cảm mến của cộng đồng.
***
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên, chúng ta nói về sự hy sinh quên mình của những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch. Hơn 1 năm qua, hàng trăm câu chuyện và hình ảnh tương tự đã được chia sẻ với cộng đồng. Tất cả, dù có thể gần với nhau về nội dung, nhưng vẫn luôn làm người đọc xót xa, cảm phục.
Và chắc chắn, đây cũng không phải là lần cuối cùng, chúng ta còn phải xúc động trước những giọt mồ hôi và cả nước mắt của họ. Thực tế, sự phát triển với tốc độ quá nhanh của xã hội từng dẫn tới những bất cập về đạo đức ở nhiều lĩnh vực - trong đó có nghề y. Và đôi khi, từ những bức xúc của cuộc sống hiện tại, người ta quên mất một thực tế: Loài người nói riêng chưa bao giờ diệt hết được dịch bệnh - để rồi sứ mệnh mà xã hội đặt lên vai các y bác sĩ sẽ lại luôn được nhắc tới ở những lúc như thế này.
Bây giờ, bên cạnh những lời có cánh đã được nhắc đến quá nhiều, hãy san sẻ gánh nặng cho các y bác sĩ bằng sự nỗ lực bảo vệ mình của chính mỗi người trong đợt dịch này. Đó không phải là một lời nhắc thừa, khi mà vào hôm qua 24/5, Hà Nội vừa quyết định đóng cửa bãi đá sông Hồng (kèm theo xử phạt hành chính với chủ quán) sau cảnh tụ tập hóng mát, vui chơi của hàng trăm người tại đây, trong ngày Chủ nhật vừa rồi.
Trí Uẩn
loading...