loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang trải qua một thời điểm vô cùng đặc biệt của cả thế giới.
Giữa dòng thời sự chủ lưu về dịch Covid-19, thông tin quanh vụ “đánh tráo cách ly” của một lãnh đạo doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Trị đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong ngày hôm qua 9/3.
Hơn một tuần qua là quãng thời gian đại dịch Covid-19 bùng nổ và lan rộng, với hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ lâm vào dịch bệnh. Tính đến hôm qua 23/3, số người tử vong đã vượt qua cột mốc 15.000 trong số gần 350.000 ca nhiễm bệnh. Hàng loạt quốc gia cùng ban bố tình trạng khẩn cấp - điều vốn rất hiếm gặp nếu xét tới dòng thời sự chủ lưu của vài thập niên gần đây.
Việt Nam, với số ca nhiễm bệnh đã vượt quá 100 người, cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy ấy.
Sự lan tỏa của dịch bệnh không còn cho phép bất cứ ai đứng ngoài cuộc. Để rồi, nó lại mở ra cho cộng đồng chứng kiến những câu chuyện đặc biệt, trong thời khắc cũng rất đặc biệt này.
Đó là chuyện tình nguyện “xung trận” của vô vàn y bác sĩ đang nghỉ hưu trên cả nước - trong đó, chỉ thống kê tại riêng quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã có 280 trường hợp. Ở tuổi 60, 70, nhiều gương mặt lão thành đó đã từng tham gia vào các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong quá khứ - để rồi giờ đây, họ lại hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế với kinh nghiệm và nhiệt huyết của mình.
Đó là sự có mặt của hàng ngàn sinh viên y khoa tại các thành phố lớn trên cả nước - những người tạm rời giảng đường và xung phong có mặt tại các điểm nóng trong mùa dịch. Sử dụng kiến thức được học để lấy mẫu bệnh phẩm, kiểm tra dịch tễ, nhập dữ liệu... sự góp sức của họ rõ ràng đã đóng một vai trò quan trọng, trong bối cảnh đội ngũ bác sĩ đang trở nên… quý như vàng vào lúc này.
Đó là những bức ảnh chụp các thanh niên tình nguyện kiệt sức, ngủ mê mệt ngoài trời sau buổi làm việc tại khu cách ly - vốn đang được cộng đồng mạng chia sẻ với sự xúc động và trân trọng. Là những doanh nghiệp mạnh tay đóng góp mức kinh phí không hề nhỏ, hoặc khuân hết “đồ nhà” để đóng góp mì gói, cháo dinh dưỡng, giường bệnh, khẩu trang (và cả cơ sở lưu trú) với hy vọng giảm bớt gánh nặng cho cộng đồng.
Và còn rất nhiều câu chuyện khác, mà người viết không muốn liệt kê. Chỉ cần đọc báo, quan sát và nhìn vào những gì diễn ra quanh mình, ai cũng thể có thể bắt gặp những ví dụ như thế.
***
Nhiều người nói vui rằng những gì đang diễn ra khiến chúng ta nhớ đến thời chiến. Nói vui mà cũng là thật. Giống như dăm bảy chục năm trước, chúng ta giờ đây cũng đang sẻ chia nguồn lực, hoặc tình nguyện lên “tuyến đầu” để chiến đấu với một kẻ thù đặc biệt: virus SARS-CoV-2.
Thực tế ấy khiến nhiều người phải nhìn những cuộc tranh luận - như đã từng diễn ra - rằng liệu người Việt có biết đoàn kết hay nặng về tính vị kỷ cá nhân?
Lịch sử hình thành đã khiến xã hội Việt Nam tồn tại trong nhiều thế kỷ với thành tố chủ yếu là những cụm làng, xã nhỏ. Nói công bằng, nếp sống “làng xã” ấy cũng có những nhược điểm cần điều chỉnh trong xã hội hiện đại. Nhưng ngược lại, nó luôn khiến người Việt rất biết cách chia sẻ cùng nhau và vì nhau trong hoạn nạn - điều đã trở thành một lẽ sống tự nhiên với mỗi người.
Và khi lịch sử là một chặng đường dài của những cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với tự nhiên cũng như các thế lực xã hội khác, đoàn kết và hy sinh đã trở thành phẩm giá truyền thống để người Việt chứng tỏ mình trong những bối cảnh đặc thù như vậy.
Bởi thế, chẳng có gì lạ: lúc đại dịch xảy ra trên cả thế giới cũng chính là lúc người Việt vô cùng đoàn kết, tự tin để chung một mái chèo và vượt qua thử thách.
Sơn Tùng
loading...