loading...
“Nếu danh hiệu NSƯT là một thủ tục hành chính “đến hạn là lên” thì thực sự Nhà nước không có chính sách gì để động viên, khích lệ những nghệ sĩ trẻ có nhiều cống hiến”- đó là tâm sự của ca sĩ Trọng Tấn.
Thiệt thòi người đi trước
Trong dòng nhạc trữ tình cách mạng, ai từng nghe NSƯT Quang Lý hát cũng khó mà quên được chất giọng ấm áp của anh, không chỉ hát hay, anh còn là người thầy của biết bao thế hệ ca sĩ trẻ đã học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia TP.HCM. Thế nhưng đợt xét danh hiệu NSND lần này, hồ sơ xin xét tặng danh hiệu của anh vẫn bị loại vì lý do: “Thiếu huy chương”.
Để được phong tặng danh hiệu NSƯT, Quang Lý đã đoạt nhiều huy chương tại nhiều hội diễn khi anh còn là ca sĩ của các đoàn Ca múa nhạc Tháng Tám, Bông Sen, nhưng từ khi làm công tác giảng dạy, anh không tham gia các hội diễn sân khấu nữa. Điều đó lý giải vì sao cơ hội để được xét danh hiệu NSND của Quang Lý ngày càng trở nên xa vời sau khi bị loại lần này.
NSƯT Quang Lý, ca sĩ Anh Thơ, Trọng Tấn
|
NSƯT Quang Lý cho biết: “Trong sự nghiệp âm nhạc gần 40 năm của tôi, gần 20 năm trở lại đây, tôi không còn đi thi hát mà trở thành thầy giáo, rồi giám khảo chấm thi cho các ca sĩ thế hệ tiếp sau mình. Đòi hỏi có đủ số huy chương trong các kỳ hội diễn để được xét danh hiệu NSND là một điều... không tưởng đối với tôi”.
Các ca sĩ, nghệ sĩ cũng có chung hoàn cảnh giống như NSƯT Quang Lý trong lần này có thể kể đến NSƯT Quỳnh Liên (đề nghị xét đặc cách danh hiệu NSND), ca sĩ Lan Ngọc (xét đặc cách NSƯT). Những cống hiến cho âm nhạc cách mạng của họ đã được công chúng ghi nhận từ mấy chục năm nay, nhưng Hội diễn ca nhạc toàn quốc thì không phải là sự kiện tổ chức thường xuyên, bởi vậy họ cũng phải chịu sự thiệt thòi khi áp vào các tiêu chí có phần cứng nhắc về số lượng huy chương.
Hành chính hay nghệ thuật?
Trong những cái tên ca sĩ “trượt” đợt phong tặng danh hiệu NSƯT lần này, còn có những người được công chúng rất yêu mến như Trọng Tấn, Anh Thơ, Hồ Quỳnh Hương...
Sáng 26.7, trao đổi với chúng tôi, ca sĩ Anh Thơ giọng trĩu nặng ưu tư: “Hồ sơ của tôi bị loại vì lý do tôi chưa đủ năm trong biên chế Nhà nước, ca sĩ Trọng Tấn cũng thế, mặc dù chúng tôi được Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội để cử đặc cách do có nhiều cống hiến. Thôi thì đành an ủi là dù được hay không được NSƯT, mình vẫn có khán giả, đó là điều lớn nhất, còn tôi thấy vẫn có những NSƯT mà cả đời không hát nổi một bài cho khán giả biết mặt nhớ tên”.
Tôi chỉ mong muốn Hội đồng xét duyệt đưa ra các tiêu chí cởi mở hơn để khích lệ các nghệ sĩ trẻ, còn cứ nếu đợi đủ năm trong biên chế và có 2 Huy chương Vàng là lên NSƯT giống như là lên lương thì giá trị của danh hiệu nằm ở đâu.
Ca sĩ Trọng Tấn
|
Cùng một tâm trạng thất vọng với quyết định của Hội đồng xét duyệt, ca sĩ Trọng Tấn cho biết: “Tôi không hiểu, nếu căn cứ vào số năm biên chế đủ mới được phong tặng danh hiệu NSƯT thì danh hiệu này thiên về mặt hành chính hay là một sự vinh danh những đóng góp, cống hiến về mặt nghệ thuật của nghệ sĩ?
Từ khi có giải thưởng vào năm 1995, tôi liên tục đi hát, liên tục cống hiến và làm công tác giảng dạy. Hội đồng xét duyệt nói tôi chưa đủ số năm trong biên chế thì tôi cũng đành chịu vì họ cũng không thể làm sai quy chế nhưng tôi cũng biết có trường hợp hồ sơ cũng như mình thì lại đạt. Tôi không định kiện cáo làm gì, anh em trong nghề ai được thì mừng cho người ấy, lần này không được thì đợi mãi rồi cũng đến lượt mình thôi”.
Ở phía Nam, hàng loạt các ca sĩ “không huy chương” vì không nằm trong biên chế các đoàn nghệ thuật như Đan Trường, Cẩm Ly, Lan Ngọc, Tô Thanh Phương... cũng ngậm ngùi khi bị gạch tên khỏi đợt xét danh hiệu NSƯT lần này dù đã được Hội đồng xét duyệt cơ sở đề nghị xét đặc cách.
Với các ca sĩ, việc không có thêm danh xưng NSND, NSƯT đặt trước tên mình trong lần phong tặng này là một nỗi buồn. Còn với khán giả, những người yêu mến tiếng hát của họ thì đó là một sự phi lý, không biết đến bao giờ thì danh hiệu cao quý mà Nhà nước phong tặng cho nghệ sĩ mới đúng nghĩa là một sự ghi nhận và tôn vinh cho những đóng góp nghệ thuật?
Theo Dân Việt
loading...