A+ A A- Kiểu đọc sách

Đường vào 'Cường quốc sắc đẹp' đã rộng mở; người đẹp Việt Nam phải làm gì?

19:25 11/02/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Kể từ ngày Phạm Thị Mai Phương đại diện Việt Nam tham dự Miss World 2002, các người đẹp của chúng ta sau này đã bắt đầu thay đổi để theo kịp xu hướng thế giới. Năm 2015 này, người đẹp Việt lần đầu tiên “có danh hiệu”, vào giành thứ hạng cao hơn, đồng thời đưa Việt Nam vào Top 10 “cường quốc sắc đẹp” do Missosology bình chọn.

Năm 2015 được xem là một năm tưng bừng của các người đẹp Việt khi liên tiếp gặt hái được nhiều thành tích lớn nhỏ khác nhau, thu hút sự chú ý của toàn thế giới, được giới chuyên môn đánh giá cao.

“Kỳ tích”

Trên thực tế, Việt Nam chỉ mới chính thức liên tục tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế hơn 10 năm nay, không thể nào so sánh với thành công của những nước trong khu vực như Thái Lan hay Philippines khi họ đã bắt đầu từ thập niên 1950 và 1960.

Còn Indonesia có thể được xem là có cùng xuất phát điểm với nước ta, nhưng trong vòng 3-4 năm trở lại đây, thí sinh của “xứ vạn đảo” luôn có những thành tích khá nổi bật tại các cuộc thi quốc tế. Và đến thời điểm này, họ chính thức vượt mặt và bắt đầu bỏ xa Việt Nam. Nếu tham dự với mục tiêu thi đấu thực sự thì có lẽ cách tổ chức, tiêu chí ở nước ta vừa tụt hậu, vừa đi ngược thế giới.


Hoa hậu Việt Nam 2002 Phạm Thị Mai Phương - đại diện chính thức đầu tiên của Việt Nam tại Hoa hậu Thế giới

Và trong tình thế "không còn đường lùi", Hoa khôi Áo dài Việt Nam (Miss World Vietnam) đã khởi động năm 2014 và sau đó là sự trở lại của Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam (Miss Universe Vietnam) sau nhiều năm vắng bóng. Đây chính là “cứu cánh”, cũng như khẳng định việc chuyên nghiệp hóa và từ nay mở ra chương mới trong việc đào tạo bài bản cho những người đẹp Việt trước khi "đem chuông đi đánh xứ người".

Kết quả của sự chuẩn bị này đã được đền đáp, lần đầu tiên chúng ta có thí sinh lọt vào vòng thi ứng xử một kỳ Hoa Hậu Quốc tế (Miss International) với giải Á hậu 3 của Thúy Vân (Á khôi). Hay như nhờ sự bình chọn của khán giả nhà mà Lan Khuê làm nên kỷ lục mới về thành tích cho Việt Nam tại đấu trường Miss World khi lọt vào Top 10+1. Rồi Hà Thu lập nên thành tích lần đầu tiên khi vào đến vòng bán kết một kỳ Miss Intercontinental sau 10 năm tham gia...

Nhờ đó mà lần đầu tiên Việt Nam được lọt vào Top 10 quốc gia (vị trí thứ 8) có tổng thành tích tốt nhất, theo đánh giá của chuyên trang Missosology.

Và những luật lệ của một cuộc chơi khắc nghiệt

Khi nhắc lại sự kiện các hoa hậu Việt Nam trước đây tham dự Miss World như Phạm Thị Mai Phương (2002), Nguyễn Thị Huyền (2004), Mai Phương Thúy (2006) thì người ta nhớ nhất đến hình ảnh các cô gái “trẻ người non dạ” chỉ mới 17-18 tuổi, chưa có sự va chạm trong cuộc sống, tính cách mộc mạc, chưa biết cách tự trang điểm, các kỹ năng đều yếu và thiếu, cũng như luôn đến trễ hơn các thí sinh khác, bỏ qua vài phần thi.

Và tất nhiên thành tích đạt được vẫn còn khá khiêm tốn vì thí sinh nước ta chưa có một sự chuẩn bị vừa đủ, cũng như sự hiểu biết, lẫn kiến thức về các vấn đề xã hội, chính trị, thời sự vẫn còn khá mơ hồ.


Á khôi Áo dài 2014 Phạm Hồng Thúy Vân giành ngôi vị Á hậu tại cuộc thi Hoa hậu Quốc tế 2015

Nhưng ở các cuộc thi trong nước năm nay, nhờ tiếp cận được với phương thức tổ chức của nước ngoài, và quan trọng là thời gian vừa đủ để thí sinh chuẩn bị hành trang trước khi đi thi, khán giả đã thấy một sự tiến bộ rõ rệt của các người đẹp Việt trên trường quốc tế.

Chúng ta tự hào về Lan Khuê, Phạm Hương khi nhiều tuần liên tiếp được nhận định trong Top 5 và Top 10 ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc vương miện. Chính sự hiện diện của các đại diện Việt Nam này tại hai cuộc thi lớn nhất đã làm cả thế giới phải chú ý đến nhan sắc Việt.

Cả hai đều được được khen ngợi về gương mặt xinh đẹp hiếm có, cực kỳ độc đáo, khác lạ so với suy nghĩ về người Á Đông trước đây. Và nếu bao gồm cả Á khôi Lệ Quyên thì đây là lần đầu tiên mà kỹ năng trình diễn trên sân khấu, độ chuyên nghiệp về phong cách của tất cả các người đẹp Việt Nam được xem là ngang ngửa, thậm chí là trội hơn cả thí sinh của những “cường quốc hoa hậu” ở Nam Mỹ và Philippines.

Còn Thúy Vân là một minh chứng khác cho sự đầu tư từ nhỏ khi được học tiếng Anh từ năm 14-15 tuổi, đi theo con đường người dẫn chương trình, kết hợp với trình diễn thời trang với ước mơ sau này lớn lên để trở thành hoa hậu, và giờ đây cô là Á hậu Quốc tế.

Mỗi người đều có một con đường khác nhau nhưng họ có một điểm chung; đó chính là cô gái ấy phải có ước mơ, trải qua vài ba cuộc thi khác nhau, thâm niên làm người mẫu vài năm và quan trọng là phải có thời gian chuẩn bị về các kỹ năng trong một cuộc thi. Song song đó, việc phát triển nhân cách lẫn đạo đức cũng rất quan trọng, bởi vì các cuộc thi không chỉ chấm về nhan sắc, trí tuệ, mà họ còn xem tính cách, thái độ cư xử của các cô gái trẻ.

Dù chúng ta đã cải thiện được những vấn đề trước đây về nhan sắc, hình thể, kỹ năng nhưng đến giờ phút này thì trở ngại lớn nhất của các người đẹp nước ta vẫn chính là rào cản ngoại ngữ, phong thái ứng xử trước công chúng.

Điều dễ dàng nhận thấy ở tất cả các cuộc thi quốc tế tầm cỡ nhất trong năm 2015, chính là sự đổi mới và vai trò của các phần thi vấn đáp - ứng xử trở nên đặc biệt quan trọng. Nhưng với tính cách Á Đông, các người đẹp của chúng ta vẫn còn rụt rè, ít nói, và ngại nói lên chính kiến của bản thân. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng mới của những cuộc thi khi bắt buộc thí sinh phải đối mặt trực diện với những câu hỏi hóc búa, mang tính thời sự liên quan đến các vấn đề toàn cầu hiện nay, trong đó có cả chính trị, tôn giáo, định kiến xã hội.

Nếu muốn tham gia một sân chơi quốc tế thì bắt buộc các người đẹp phải tuân theo những luật chơi của ban tổ chức, đôi khi điều đó có thể chưa phù hợp với văn hóa cũng như tư duy của đại đa số người Việt.

Donald Nguyễn
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...