loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Thông tin từ TP.HCM cho biết: phố đi bộ Bùi Viện sẽ được chính thức khai trương kể từ ngày 15/7 tới. Trước mắt, khu vực vẫn được gọi là “khu phố Tây” này sẽ cấm xe cơ giới để phục vụ du khách trong thời gian 2 tối cuối tuần.
Khá trùng hợp, ít ngày trước đó, vào 30/6, quãng thời gian “thí điểm” vận hành không gian đi bộ quanh Hồ Gươm tại Hà Nội cũng sẽ kết thúc (sau khi bắt đầu từ tháng 11/2016). Với những gì đã diễn ra, gần như chắc chắn, mô hình sẽ được tiếp tục duy trì để chính thức trở thành một không gian đi bộ của Hà Nội mỗi dịp cuối tuần.
Bởi, sự xuất hiện của những trục phố đi bộ vừa là nhu cầu tất yếu, vừa là cột mốc đánh dấu đà phát triển của mỗi đô thị.
Thế nhưng, để phố đi bộ thật sự trở thành những điểm nhấn giá trị trong đô thị, câu chuyện không đơn giản chỉ là… cấm xe cơ giới và định danh con phố đó bằng khái niệm “đi bộ”.
Không phải ngẫu nhiên, các con phố đi bộ trên thế giới thường được thiết kế theo những chức năng nhất định. Đó có thể là tuyến phố đi bộ để phục vụ thương mại, để giới thiệu văn hóa, ẩm thực truyền hay tập trung vào bảo vệ di sản.
Sự thực, ngay từ năm 2004, Hà Nội đã có trục phố đi bộ đầu tiên, khi con đường Hàng Ngang – Hàng Đào được cấm xe và tổ chức chợ đêm cho du khách vào 2 tối cuối tuần. Nhưng, suốt từ đó tới nay, mô hình đó đã bộc lộ khá nhiều bất cập và sự lộn xộn.
Như chia sẻ của KTS Phó Đức Tùng, mô hình phố đi bộ này thiếu hấp dẫn, bởi phía tổ chức không nhìn ra lớp giá trị tiềm tàng ở khu phố cổ. Về bản chất, cả khu phố cổ Hà Nội đã là một cái chợ khổng lồ vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Vậy nhưng, vốn đã sẵn cửa hàng, phố Hàng Ngang Hàng Đào lại được đặt thêm hàng loạt ki ốt giữa đường, bán đủ loại tạp phẩm. Để rồi, đầm đìa mồ hôi, chen chúc nhau đi từ đầu phố tới cuối phố, du khách cũng không biết mình có thể mua gì và ngắm gì.
Bây giờ, hai con phố đi bộ nổi tiếng nhất tại Việt Nam hiện nay cũng chỉ vừa xuất hiện trong vòng 3 năm trở lại đây: phố Nguyễn Huệ tại TP.HCM (năm 2015) và phố đi bộ quanh Hồ Gươm (2016). Nổi tiếng bởi đã tồn tại từ rất lấu trong lịch sử của 2 đô thị lớn, 2 trục phố ấy cũng được chuẩn tính toán khá kĩ về cách thiết lập cảnh quan, hay tổ chức dịch vụ tiện ích cho người đi bộ như nút gửi xe, nhà vệ sinh công cộng, wifi miễn phí.
Dù vậy, để trở nên có "cá tính" và trở thành điểm đến đặc thù của Hà Nội và TpP.HCM, cả 2 phố đi bộ ấy vẫn còn rất nhiều điểm cần hoàn thiện, cả về chức năng lẫn cách định hướng tổ chức hoạt động.
***
Trở lại trường hợp Bùi Viện, con phố vốn là nơi cư ngụ của một lượng lớn khách du lịch bình dân đến từ các nước. Năm 2013, trong cuộc thi Tài năng Kiến trúc do Đại sứ quán Đan Mạch chủ trì, đồ án thiết kế phố đi bộ Bùi Viện của nhóm tác giả Nguyễn Hữu Vinh đã giành giải nhất và được đánh giá cao về tính khả thi.
Mỗi dịp cuối tuần, người dân Hà Nội lại tới phố đi bộ để cùng hòa mình vào những thú vui đầy ý nghĩa: đá cầu, nhảy dây, ô ăn quan, đi cà kheo, xe thăng bằng...
Theo đồ án, 2 tầng "đường đi bộ" trên phố Bùi Viện sẽ được mở thêm bằng cách xây những mặt phẳng bê tông có bề rộng 2 mét áp vào một bên mặt tiền của con phố, kết hợp trụ đỡ và cầu thang lên xuống.
Với cách làm ấy mặt tiền tầng 2, tầng 3 của những ngôi nhà cạnh đường sẽ tiếp tục được khai thác thành cửa hàng, quán cà phê... Để rồi mức giá bình dân – một trong những điểm thu hút khách du lịch quốc tế - vẫn có thể được giữ nguyên, nhưng sự đa dạng thì tăng hơn nhiều.
Khi mà nhiều chuyên gia khẳng định: việc tạo lập một môi trường giao lưu quốc tế có mức giá bình dân dành cho du khách sẽ là chìa khóa làm nên thành công của phố Bùi Viện, rõ ràng, chúng ta cũng không nên bỏ qua việc xem xét những ý tưởng đã được nghiên cứu và đánh giá cao như vậy.
Bởi, đô thị luôn cần những con phố đi bộ có bản sắc và cá tính của mình.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
loading...