loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam đang trải qua một mùa lễ hội Xuân khá đặc biệt so với mọi năm.
Ngày 3.2, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy vừa ký Quyết định số 270/QĐ-BVHTTDL phê duyệt kế hoạch kiểm tra công tác quản lý lễ hội tại một số địa phương trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.
“Đặc biệt”, bởi rất lâu rồi, chúng ta vẫn quen với hình ảnh của những dòng người tấp nập, chen chúc đổ về các điểm hành hương ngay từ sau Tết. Còn bây giờ, những dòng người ấy đã vợi đi rất nhiều so với trước.
Đơn cử, những thống kê đưa ra cho thấy: từ đầu Xuân, chùa Hương đón lượng người hành hương chỉ bằng 1/3 so với năm trước - tới mức, nhiều chuyến đò xếp hàng ngồi chờ khách tại bến Yến. Rồi Phủ Giầy và đền Trần Nam Định, chùa Phật tích Bắc Ninh… cũng chỉ lác đác khách mỗi ngày.
Đáng nói hơn, trang phục của du khách đi trẩy hội đầu Xuân đa phần đều có thêm một “phụ kiện” đặc biệt: chiếc khẩu trang che kín mặt. Kèm theo “phụ kiện” ấy, tất yếu, những người hành hương đều có tâm lý khẩn trương, vội vã để sớm thực hiện các nghi thức tâm linh, thay vì thảnh thơi, ung dung chơi hội Xuân như trước.
Tất cả chúng ta đều biết sự thay đổi này diễn ra như một hệ quả tất yếu từ “cơn bão” dịch bệnh do chủng virus mới corona.
Và mới nhất, vài ngày sau chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường các biện pháp phòng dịch, Bộ VH,TT& DL trong ngày hôm qua (3/2) đã chính thức gửi công điện yêu cầu dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc tại các địa phương đã công bố dịch; tạm dừng mọi hoạt động tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (trừ trường hợp thực hiện nhiệm vụ theo phân công) để tránh tập trung đông người.
***
Lễ hội Xuân của chúng ta đã bao giờ vắng vẻ như hiện tại? Câu trả lời chắc chắn là có. Bởi, về bản chất, mỗi lễ hội trước tiên vẫn hướng về việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của từng cộng đồng nhỏ hẹp trong mỗi làng xã địa phương. Và, với những hạn chế về hạ tầng và phương tiện giao thông trong quá khứ, những người nông dân khi xưa cũng ít khi đi xa hơn cái làng của mình. Như lời các nhà nghiên cứu, “khách” của những lễ hội ấy - nếu có - chủ yếu cũng chỉ đến từ các làng lân cận trong cùng một khu vực.
Để rồi, cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng cũng tăng dần trong xã hội.Và đến lượt mình, bản thân các lễ hội Xuân cũng có sự thay đổi tương ứng, khi chúng dần vượt khỏi chức năng phục vụ những cư dân bản địa mà còn hướng tới việc trở thành tác nhân, kích thích tăng trưởng kinh tế, xã hội của cả một vùng.
Khoảng hơn 20 năm qua, những lễ hội Xuân trên toàn quốc đã biến đổi nhiều về không gian, cũng như các nghi thức thực hành. Bên cạnh những nét tích cực, sự thay đổi ấy cũng phát sinh nhiều nhược điểm về tính thương mại hóa, về sự bất cập khi không gian truyền thống bị phá vỡ và cả về sự trở lại của những hủ tục đã ít nhiều không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay.
Bởi thế, cứ mỗi mùa lễ hội, dư luận lại cùng hướng sự chú ý tối đa tới những câu chuyện về nạn cướp lộc, nạn chen chúc xô đẩy, nạn “chặt chém” du khách… mà người ta có thể gặp ở rất nhiều trường hợp.
***
Bây giờ, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lễ hội Xuân năm nay được phía quản lý - và cả cộng đồng - đặt trong một khoảng lặng, so với chính nó hàng năm.
Khoảng lặng ấy tất nhiên không thể tồn tại mãi - như mọi trường hợp tương tự trong cuộc đời của mỗi người. Nhưng, với mỗi khoảng lặng - dù là bất đắc dĩ đi nữa - người ta vẫn có thể tận dụng nó để có một cái nhìn khác, và khơi dậy trong suy nghĩ của mình những gì chín chắn, tích cực và điềm đạm nhất.
Giống như một câu hỏi thẳng thắn: lễ hội có nhất thiết cần phải… đông đúc và xô bồ như thế không - nếu trong mỗi chúng ta, nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh theo đúng nghĩa chỉ chiếm một phần nhỏ, bên cạnh sự tò mò, ham vui và tâm lý sân si, muốn tìm kiếm từ hội Xuân chút hy vọng để những khát vọng trần tục của mình thành sự thật?
Sơn Tùng
loading...