loading...
(Thethaovanhoa.vn) - “Ấu dâm” và “xâm hại tình dục trẻ em” đã là những từ được nhắc đến rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội những tháng qua. Kể từ khi scandal của Minh Béo và nhiều vụ ấu dâm khác được đề cập đến với tần suất dày đặc trên báo chí, có thể nói rằng, chưa bao giờ, người ta thực hiện nhiều chương trình liên quan đến tình trạng nghiêm trọng này nhiều đến thế.
1. Những sự vụ được phơi bày dồn dập trên các phương tiện thông tin đại chúng đã làm dấy lên nỗi sợ hãi trên mạng xã hội, từ các bậc phụ huynh, cho thấy điều khiến họ lo lắng chính là việc môi trường xung quanh con cái họ bây giờ ngày càng thiếu an toàn khiến con họ có thể bị xâm hại bởi bất cứ ai, và tràn ngập một nỗi nghi ngờ với tất cả.
Nỗi sợ hãi thực ra là sự khởi đầu của một quá trình thức tỉnh, bởi chỉ có như thế, những hành động đúng đắn mới được thực hiện. Tuy nhiên, về hiệu quả thực tế của mối lo ngại ấy cũng như từ các chiến dịch truyền thông liên quan đến ấu dâm nói riêng và xâm hại trẻ em nói chung vẫn chưa có nghiên cứu hoặc thăm dò nào được thực hiện đểhiểu được rằng, các bậc cha mẹ và chính các em nhỏ đã thấu hiểu vấn đề và có biện pháp nào để thực hiện việc bảo vệ hay chưa.
Sự thay đổi của nhận thức dẫn đến sự thay đổi của hành động phải diễn ra như một cuộc cách mạng trong cuộc sống và sinh hoạt của các gia đình, nhất là những ai có con nhỏ.Từ việc chấm dứt những thói quen rất “hồn nhiên” vẫn thường làm, chẳng hạn như "si tè" cho con ngoài phố, cho con ngồi lên lòng người khác giới lớn tuổi, đụng chạm hôn hít bọn trẻ chỉ vì ta thấy chúng “đáng yêu quá” hoặc cho trẻ con thay áo, hoặc tắm khi có mặt người lạ…
Cũng rất lo lắng về vấn đề này, nhưng một người bạn của tôi cho rằng, việc thay đổi không đơn giản, một khi vấn đề chính lại nằm ở thói quen và cách tư duy của các gia đình: “Thật khó có thể thuyết phục được chính các ông bà của cháu thay đổi các thói quen đụng chạm trẻ, và càng khó hơn nữa để làm điều đó với họ hàng người thân của mình” - anh nói. “Ngay cả các bậc cha mẹ cũng cảm thấy rất khó khăn trong việc tìm từ ngữ để nói với con về cơ thể chúng, nhằm giúp chúng bảo vệ mình”.
Không hẹn mà gặp, hai trong số những cuốn sách gần nhất về việc chống xâm hại tình dục trẻ em tại Việt Nam đều có xu hướng đề cập nhiều tới vai trò của người cha.
Những gì anh nói là một sự thật mà rất nhiều các bậc cha mẹ đã phải đối mặt, dù trong họ, quá trình thay đổi nhận thức đang diễn ra. Bởi họ cảm thấy họ thực sự phải đương đầu với quá nhiều vấn đề, từ thói quen, cách sống, hoàn cảnh sống cho đến văn hóa Á Đông.
2. Sách giáo khoa ở trường học đề cập đến vấn đề này một cách ít ỏi, nhỏ giọt. Tôi nhớ là những buổi học về sinh lý của nam và nữ vào năm lớp 9 ở trường của mình diễn ra trong một bầu không khí vô cùng nặng nề, ngột ngạt, vì ai cũng quan tâm đến vấn đề, nhưng lại ngại nói về nó. Điều đó là một trở ngại không nhỏ về văn hóa và lối sống trong việc đi tới tận cùng vấn đề: đó là người ta phải hiểu cơ thể mình như thế nào, các chức năng sinh lý của nó ra sao thì mới biết cách để bảo vệ nó và từ đó có cách để giúp con cái mình làm điều đó.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV hồi tháng 6 vừa qua, chất vấn về tình trạng xuống cấp đạo đức và văn hóa ứng xử, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, 'tư lệnh ngành văn hóa' cần quan tâm hơn đến môi trường biểu diễn nghệ thuật.
Tiếc thay, điều ấy vẫn bị coi là một sự cấm kị, khó nói, ý thức sống của rất nhiều người chưa thay đổi, và những hoạt động rầm rộ của cộng đồng liên quan đến vấn đề ấu dâm trong thời gian qua thật khó có thể thường xuyên được coi là vấn đề nóng, một khi người ta còn bận tâm về cơm áo gạo tiền, gạt câu chuyện về chống ấu dâm xuống hàng thứ yếu.
Khi người ta cảm thấy khó xử trong việc nói với trẻ trong gia đình về vấn đề này, khó xử cả trong việc dạy trẻ về cơ thể mình trong nhà trường, do sự khác biệt của văn hóa Á Đông, thì việc nâng cao nhận thức của xã hội về câu chuyện ấu dâm là không đơn giản và còn không đơn giản hơn nữa là việc làm sao duy trì một mức độ cảnh báo cao của xã hội, thay vì chỉ rộ lên một thời gian rồi chìm nghỉm như một phong trào.
Việc chống “ấu dâm”, “xâm hại tình dục trẻ em” là câu chuyện rất lâu dài, cần được đưa lên những cấp cao hơn nữa, trong những chương trình nghị sự của Quốc hội và Chính phủ, để cho thấy đây là vấn đề mang tính quốc gia.
Trương Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
loading...