A+ A A- Kiểu đọc sách

'Đại lộ danh vọng' bên hồ Gươm: May mà chưa... thất vọng

07:19 02/03/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng, những thắc mắc của dư luận về "Đại lộ danh vọng" quanh Hồ Gươm cũng đã đi tới hồi kết.

Vài ngày trước, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã chính thức thông báo về việc loại bỏ ý tưởng này khỏi bản quy hoạch tương lai của khu vực Hồ Gươm. Trước đó, nằm trong bản quy hoạch chung, việc xây "Đại lộ danh vọng" được đưa ra lấy ý kiến cộng đồng từ đầu 2016.

Có mô hình tương tự "nguyên bản" tại Mỹ, đại lộ dự kiến triển khai cạnh Hồ Gươm, dọc vỉa hè từ tháp Hòa Phong đến Nghi môn đền Bà Kiệu. Trên nền lát đá, những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu… có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội sẽ được khắc tên.


Phối cảnh tháp Hòa Phong sau khi được tôn tạo

Cần nói rõ, ý tưởng trên mới chỉ là đề xuất của đơn vị xây dựng đồ án quy hoạch Hồ Gươm. Thế nhưng, bản thân ý tưởng đang được trưng cầu này vẫn nhận về rất nhiều lời chê  từ cộng đồng, đặc biệt là các chuyên gia văn hóa.

Theo lập luận phổ biến nhất, mô hình "Đại lộ danh vọng" của văn hóa phương Tây có rất nhiều điểm khác biệt với văn hóa phương Đông. Và ở Việt Nam, để tôn vinh các danh nhân, cái tên của họ thường được đặt lên cao, một cách trang trọng – thay vì đặt xuống... mặt đường.

Có nghĩa, ý tưởng ấy là sự "học theo" đầy cảm tính. Chưa kể,  những thông tin về việc một doanh nghiệp xin thực hiện "Đại lộ danh vọng" để đổi lấy quyền kinh doanh dịch vụ tại khu vực này lại càng khiến dư luận bất bình.

***

Cá nhân tôi vẫn nghĩ rằng, ý tưởng lập "Đại lộ danh vọng" không có lỗi.

Bởi, sự khác biệt văn hóa nói trên có thể giải quyết bằng nhiều biện pháp khác nhau về mĩ thuật, trang trí, chiếu sáng... – và nhất là những dòng thông tin giới thiệu trang trọng về các danh nhân Hà Nội (chứ không là những cái tên được khắc "cộc lốc" trên vỉa hè).

Thế nhưng, điều chưa hoàn thiện của ý tưởng nằm ở việc chọn đặt "Đại lộ Danh vọng" ở Hồ Gươm – một di sản văn hóa vô cùng... nhạy cảm với những gì quá mới lạ.

Hồ Gươm không rộng, nhưng sự hài hòa đặc biệt của kích thước xây dựng, cũng như phong cách kiến trúc xung quanh nó đã làm nên nét đặc thù của không gian văn hóa này. Cộng thêm bề dày lịch sử hơn trăm năm, toàn bộ quần thể ấy đã trở thành điểm nhấn đặc biệt và được coi như bộ mặt, như trái tim của Hà Nội.

Giống như, nguyên KTS trưởng Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm đã từng trao đổi với người viết rằng không gian ấy đã trở thành tiêu điểm trong ý thức giữ gìn những gì còn lại của văn hóa Hà Nội.

 Bất cứ công trình xây dựng, sửa chữa nào diễn ra quanh nó đều được công luận chú ý và phản biện mạnh: từ  xây nhà vệ sinh công cộng cho tới kế hoạch lát đá vỉa hè, từ  chiều cao (dự kiến 10 tầng) của khách sạn Hà Nội vàng trong quá khứ cho tới dự kiến đặt nhà ga tàu điện ngầm cạnh đền Ngọc Sơn vào năm 2016 vừa qua.

***

Chỉ từ một vài sai sót, những thử nghiệm tại không gian quanh di sản hoàn toàn có thể mang lại kết quả tiêu cực và khác hẳn mục đích ban đầu.

Đơn cử, như lời kể của nhiều Kiến trúc sư, tòa nhà "Hàm cá mập" quanh Hồ Gươm (được xây trong thập niên 1990) có thiết kế không quá tệ hại – khi tác giả bản vẽ đã cố gắng giảm nhẹ sự thô kệch của nó bằng nhiều giải pháp. Thế nhưng, khi được thi công, công trình ấy, dưới tay chủ đầu tư, lại có sự khác biệt và trở thành nỗi bức xúc của nhiều người dân Hà Nội cho đến tận giờ.

Theo cách nghĩ ấy, việc bỏ ý tưởng triển khai "Đại lộ danh vọng" ở một không gian mang đặc thù văn hóa (chứ không phải là không gian thương mại) như Hồ Gươm vẫn là một điều đáng mừng. Bởi, chưa có gì đảm bảo, "Đại lộ danh vọng" ấy sẽ không trở thành... thất vọng, trong sự phán xét khắt khe của người dân Hà Nội.

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...