(Thethaovanhoa.vn) - “Cưa bom”, cụm từ riêng có của người Việt chứa quá nhiều sắc thái: Nỗi tủi hổ vì cái nghèo, sự liều lĩnh bạt mạng, chút mỉa mai chua chát… Buồn hơn, việc “cưa bom” này không chỉ xuất phát từ những người buôn phế liệu. Tất cả chúng ta đều đang phải liều lĩnh với sinh mạng mình hàng ngày, vì... miếng ăn.
Không ít người nông dân đang vô tình và hữu ý “cưa bom” trong quá trình sản xuất mỗi ngày, để sinh nhai.
Những “quả bom” chất cấm được nhồi nhét âm thầm, trong chuỗi sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Đã có người nông dân trở thành nạn nhân do tiếp xúc với chất độc hại quá nhiều.
Nhiều người bán hàng ăn, buôn thực phẩm tiếp vào đó những “khối thuốc nổ” khác: Chất bảo quản. Và, những “quả bom” ấy cũng tích tụ tới ngày gây hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng những người đã dùng chúng để sinh lời.
Còn những người tiêu dùng thì vẫn phải nhắm mắt, liều mình “cưa bom”, trong mỗi bữa ăn. Thực phẩm bẩn ở khắp mọi ngóc ngách. “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ gần hơn thế”. Không ăn thì chết mà ăn cũng sợ rằng đang ăn “thuốc độc”.
Thực phẩm bẩn là những "quả bom" nổ chậm
Theo số liệu thống kê, quý I/2016, riêng ở Hà Nội, Sở NN&PTNT đã tịch thu, tiêu hủy 1.500 kg nội tạng động vật, thủy sản các loại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 260 kg rau củ cũng bị niêm phong chờ xử lý.
Chưa hết, theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (thuộc Bộ NN&PTNT), có tới 73% người bán rau tại Hà Nội không phân biệt được rau bẩn và rau an toàn. Con số này ở người tiêu dùng là 95%.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã phải đăng đàn “nói lại cho rõ” vì câu nói: “Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”. Việc một vị Bộ trưởng lập tức lên báo “phân tích kỹ lại” phát ngôn của mình là điều chưa có tiền lệ. Lý do, Bộ trưởng đã chạm vào điều nhạy cảm nhất của xã hội lúc này: an toàn thực phẩm.
Nhưng người dân thì dù Bộ trưởng có “nói lại cho rõ” thì sự hoang mang còn đó. “Quả bom” thực phẩm bẩn vẫn đeo bám người dân mỗi ngày, từ người sản xuất tới người phân phối và người tiêu dùng.
Mỗi năm, người Việt có 150.000 ca nhiễm ung thư mới. 40% trong con số ấy là do thực phẩm bẩn - khoảng 60.000 người, theo VTV. Ai cũng có thể là một trong 60.000 người ấy, khi “quả bom” thực phẩm bẩn “phát nổ”, trong cơ thể chúng ta.
Vừa qua, Bộ Y Tế, Bộ NN&PTNT, VTV cùng các tỉnh, thành đã chung tay xây dựng chương trình “Nói không với thực phẩm bẩn”. Sau sự ra đi do ung thư của nhạc sĩ – ca sĩ Trần Lập, chiến dịch truyền thông "Chung tay thắp lửa" cũng được các nghệ sĩ phát động để cảnh báo về tình trạng ung thư nói chung và ung thư do thực phẩm không an toàn nói riêng.
“Cưa bom” trong bữa ăn là điều đắng cay. Người Việt đầu độc người Việt là hiện thực chua xót. Nhưng, những khối ung nhọt chỉ có thể gỡ bỏ khi chúng ta dám đối diện với chúng. Một cộng đồng chỉ có thể phát triển khi dám nhìn thẳng vào những điều xấu xí trong nội hàm để khắc phục vươn lên.
Chúng ta không thể “cưa bom” như thế mãi! Cũng như việc, chúng ta không thể phải ăn bẩn mãi!
Trước tiên, chúng ta cần có sự đồng lòng trên tinh thần hợp tác của cả các đơn vị, ban, ngành lẫn người dân. “Nói không với thực phẩm bẩn” và “Chung tay thắp lửa” đã giúp chúng ta có điều kiện cần khi toàn xã hội chia sẻ chung mục tiêu và giá trị cốt lõi. Điều kiện đủ lúc này là cách thức thực hiện và phối hợp thực hiện giữa các nhóm đối tượng trong toàn xã hội.
Hi vọng, đó là một cách làm chắc chắn chứ không phải một mất một còn theo lối “cưa bom” kiểu truyền thống!
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa