loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 6 với chủ đề “Tôi yêu dài Việt Nam” kéo dài từ ngày 2 đến 17/3/2019, gồm rất nhiều hoạt động chính thức và bên lề. Chủ đề này cho thấy không chỉ người Việt mới yêu áo dài, mà còn nhiều người nước ngoài sống tại Việt Nam và nhiều nước khác nữa.
Lễ hội Áo dài TP.HCM lần 3 năm 2016 sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 20/3/2016 với chủ đề “Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố áo dài” tại nhiều địa điểm như Bảo tàng thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Áo dài...
Thực tế cho thấy “đất sống” dành cho áo dài đang bị thu hẹp khá nhiều. Trước đây, đa số trường trung học phổ thông yêu cầu nữ sinh mặc áo dài suốt tuần, bây giờ nhiều nơi chỉ còn mặc vào ngày chào cờ hoặc các dịp lễ của trường.
Các mô hình đại công ty đang chuyển đổi rất mạnh từ khu vực nhà nước sang tư nhân và cả các doanh nghiệp nước ngoài, nên việc “thiết chế” mặc áo dài thường xuyên giống như Vietnam Airlines, Saigontourist… cũng khó khăn hơn trước. Một ví dụ: Việt Nam hiện có 4 hãng máy bay dân dụng, chỉ tiếp viên của Vietnam Airlines là thường xuyên mặc áo dài.
Từ thực tế vừa nêu, liệu áo dài sẽ biến mất trong nay mai? Đành rằng có sinh ra thì sẽ có mất đi, nhưng với áo dài thì chắc chắn còn lâu mới mất, vì niềm cảm hứng của người Việt với áo dài còn dạt dào, mạnh mẽ lắm.
Thử quan sát các cuộc sự kiện quan trọng ở cấp vĩ mô và vi mô mà xem, sự hiện diện của áo dài vẫn rất thường xuyên, rất hãnh diện, rất trang trọng. Không chỉ các sự kiện đối ngoại và đối nội, mà tại các lễ hội, cưới xin, thi thố… thì áo dài vẫn là một chọn lựa được ưu tiên.
Các diễn viên Hồng Ánh, Ngô Thanh Vân, Đỗ Hải Yến… kể rằng khi đi dự các liên hoan phim quốc tế, chọn váy áo là việc phải cân nhắc rất nhiều, nhưng chọn áo dài thì khá thoải mái và khá tự nhiên. Nhiều liên hoan phim yêu cầu khắt khe về trang phục cho quan khách, nhưng với áo dài thì được chào đón rộng cửa. Vài hoa hậu quốc tế chia sẻ trên báo rằng người đẹp đến từ các nước có trang phục dân tộc, có quốc phục là một ưu thế lớn trong các tiết mục thi trang phục tự chọn.
Một nữ quản lý người Đài Loan (Trung Quốc) của Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam kể rằng chị rất ngạc nhiên khi có dịp gì quan trọng là phụ nữ Việt Nam chọn mặc áo dài, dù quanh năm suốt tháng họ phải mặc đồng phục tại công ty. “Có lẽ trong tâm thức của nhiều phụ nữ Việt thì áo dài vẫn tượng trưng cho điều cao quý, đẹp đẽ” - nữ quản lý này nói. Theo cách nhìn này thì làm sao giữ cho được tâm thức, tâm thế với áo dài là rất quan trọng, mất điều này có thể làm mất cảm hứng mặc áo dài.
Các quan điểm giáo dục cấp tiến cho rằng mặc áo dài suốt tuần là không thuận tiện cho học tập và phát triển thể chất, mỗi tuần mặc một hai lần sẽ trở thành việc đáng chú ý, nên sẽ thấy trân trọng hơn.
Đời sống thay đổi, việc lựa chọn trang phục phù hợp là cần thiết, cho nên suy nghĩ “áo dài mọi lúc mọi nơi” có lẽ là bất khả thi. Thế nhưng trong tâm thế của nhiều người Việt, áo dài vẫn còn được đặt để ở một vị thế cao, đáng trân quý, nên việc gìn giữ tâm thế, niềm cảm hứng này là rất quan trọng.
Nhiều cô dâu chú rể người nước ngoài đã chọn áo dài để mặc trong đám cưới của mình phần nào cho thấy sự trân quý, hãy xem đó là một cảm hứng. Khoảng 10 năm gần đây, nhiều nam nghệ sĩ đã chọn mặc áo dài tại các sự kiện giải trí, các lễ hội, trình diễn - trước đây nam giới thường chỉ mặc áo dài trong các lễ nghi, cúng bái - cũng phần nào cho thấy cảm hứng với áo dài vẫn rất dạt dào. Cho nên có thể nói còn cảm hứng về áo dài thì sẽ còn áo dài.
Vô Ưu
loading...