(TT&VH) - 1. Bạn tôi bảo: “Lối sống làm ngơ ở các thành phố lớn, nhất là Sài Gòn thì quá rõ". Tôi cũng đã từng là nạn nhân. Tôi cũng chưa kịp hỏi bạn đó là tai nạn gì do thói làm ngơ gây ra.
Nước ta đang đô thị hóa, nông dân kéo ra thành phố kiếm sống ngày một đông. Cái chất nông dân của những người dân quê ra sống ở thành phố dần dần được thay thế như là thứ điều chỉnh tự nhiên khi thay đổi môi trường. Họ dường như trở thành một người khác, mất một phần những cái tốt mà ta từng thấy khi họ còn ở dưới quê…
Thực ra không cần tinh lắm cũng nhận ra điều này. Đó là khả năng thích ứng mà người Việt đã tổng kết từ bao đời thành ngạn ngữ: "Đi với bụt mặc áo cà sa/ đi với ma mặc áo giấy". Đó là hệ quả của môi trường sống. Ở thôn quê người ta ít làm ngơ mà có cái tình “tắt lửa tối đèn”. Ai sống làm ngơ sẽ dễ bị cô lập.
2. Về chuyện tính cách thay đổi theo môi trường sống, thì xưa bên Tàu thời Đông Chu liệt quốc có một ví dụ. Án Anh người Tề đi sứ sang Tần. Nước Tần muốn làm nhục sứ giả nước Tề bèn cho đánh người Tề ngay trong thành nước Tần, bảo là người Tề hay ăn cắp. Án Anh bảo: Ta nghe quýt Giang Nam ngọt, nhưng đem trồng ở Giang Bắc thì chua, là tại thổ ngơi. Người Tề ở nước Tề không ăn cắp nhưng sang Tần lại ăn cắp, là tại thổ ngơi chăng?
Có chuyện lí lẽ ngụy biện ở câu nói này nhưng một phần lớn sự thật không thể bác bỏ rằng môi trường sống rõ ràng có tác động đến con người.
Văn hóa sống làng xã, lối sống tình làng nghĩa xóm rất hay đó đang mất dần đi ngay trong các đô thị mới hình thành.
3. Đô thị là một tập hợp người tứ xứ, đủ hạng đủ cấp văn hóa từ từng vùng đem về khó hòa vào nhau một sớm một chiều. Còn làng xã thì đời này qua đời khác, bầu bí một giàn.
Không biết Âu châu có làng xã không chứ ở ta lối sống làng xã hằn lên trong lối ứng xử mà đôi khi nhẹ mồm người ta vẫn nói là lối nhà quê!
Thế nào là nhà quê, nhà quê là tốt hay xấu, chúng ta từ đâu ra?…Những thứ này mà bàn đến chắc phải tốn nhiều giấy mực đây.
Còn làng xã là gì: Là phép vua thua lệ làng? Là quan có cần nhưng dân chưa vội/ Quan có vội quan lội sang sông? Là sớm lửa tối đèn? Lá ăn tùy nơi, chơi tùy chốn? Là ăn trông nồi ngồi trông hướng?
Từng nghe có nhà nghiên cứu lịch sử nói rằng sở dĩ ngàn năm Bắc thuộc, phong kiến phương Bắc không thể đồng hóa vì chúng ta có làng xã với một cấu trúc khá đặc biệt để có thể cưỡng lại văn hóa ngoại lai để tồn tại. Vì thế mà nước Nam ta còn.
Làng xã không có lối nghĩ ngắn, mà bên cạnh dòng họ còn có những niềm tự hào về truyền thống làng xã: Người làng ta, tổng ta.
Nơi phố phường không có cái tự hào kiểu làng xã vì thiếu phần gốc rễ gắn kết dòng họ, xóm giềng lâu đời, là dân tứ xứ hợp thành nên không dễ gì mà chấp nhận nhau. Chuyện làng xã phố phường nếu đem bàn thì nhiều chuyện dài lắm…
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức