A+ A A- Kiểu đọc sách

Chuyện Hà Nội: 'Hội chứng' bớt xén vỉa hè

06:20 02/11/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Mấy hôm nay vấn nạn tắc đường gây bức xúc tại Hà Nội và TP.HCM khiến chính quyền loay hoay tìm giải pháp khắc phục. Và một trong những giải pháp ngắn hạn ở Hà Nội là mở rộng đường phố bằng cách xén bớt vỉa hè, dải phân cách…

Đường Trần Duy Hưng, Hà Nội mới đây vỉa hè rộng, có trồng cây bóng mát. Tuy nhiên, ùn tắc xảy ra thường xuyên nên Sở Giao thông Vận tải đã mở rộng đường bằng cách xén phần lớn vỉa hè. Bây giờ khu vực này đã có thêm một làn ô tô và một làn xe máy, nhưng vào giờ cao điểm vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ.

Vỉa hè có chức năng trồng cây xanh và là lối đi cho người bộ hành. Xén vỉa hè đó là sáng kiến tồi tệ nhất để giải tỏa nạn ùn tắc. Đường có thể rộng thêm, những dù có rộng gấp đôi hiện tại, thì tắc đường vẫn không giảm. Bằng chứng là bao năm nay Hà Nội đã xén bớt vỉa hè và dải phân cách để mở rộng thêm đường, nhưng tắc vẫn hoàn tắc.

Có những đường phố như Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng… rộng thênh thang vẫn tắc. Vậy thì hãy đi tìm nguyên nhân gây tắc chỗ khác, chứ đừng đổ tại đường phố hẹp. Chính giải pháp xén hè lâu nay đã làm “méo mó” những không gian đường phố.   


Những tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm như Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng... được xén vỉa hè, thảm cỏ để mở rộng mặt đường

2. Lỗi của nhà quy hoạch, do cái sự “Đo bò làm chuồng” không tính hết khả năng quá tải giao thông khi mật độ dân số tăng lên tỷ lệ thuận với phương tiện giao thông. Lẽ ra có biện pháp điều chỉnh lưu lượng người vào trung tâm thành phố, nhưng điều đó cũng gần như bất lực. Chưa nói là mở cửa cho “đại xa” đi xuyên tâm thành phố.

Những chiếc xe chở khách to đùng 50, 60 chỗ ngồi len lỏi vào từng con phố là một lưu ý để nếu cần phải điều chỉnh lại, như mấy chục năm trước đã làm, nghĩa là quy định xe khách lớn không được vào nội thành. Du khách được “tăng bo” bằng xe điện hoặc xe du lịch loại nhỏ, dưới 12 chỗ…

Còn nhớ cuối năm 1959, khi xem mô hình Quy hoạch Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Trong thiết kế phải đồng bộ đường sá, hệ thống thoát nước, lưới điện... tránh cản trở sự đi lại của nhân dân. Phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi".

Tư tưởng của Bác vẫn đúng cho muôn đời. Tiếc rằng thực tế không mấy khi được như vậy.

Đường rộng đến mấy đi nữa, mà nếu người tham gia giao thông thiếu ý thức tự giác, thì nạn ùn ứ là khó chữa. Một cái xe con quay đầu giữa phố đông, thế là gây ùn tắc cả mấy chục phút. Một xe máy rẽ ngang bị kẹt giữa phố lại gây ùn ứ khó chịu…

Ý thức tham gia giao thông là nét văn hóa sống ngày thường đương xuống cấp tới mức báo động. Phải bắt đầu lại từ giáo dục văn hóa giao thông, giáo dục luật lệ giao thông… để góp phần vào việc giảm ùn tắc giao thông.

Khi cộng đồng thực sự thay đổi hành vi theo hướng văn minh, tự giác thực thi luật lệ giao thông, thì dù đường đông thì vẫn có thể lưu thông nhẹ nhàng, thông suốt. Hội chứng xén bớt vỉa hè và dải phân cách chỉ là giải pháp tạm thời, xin đừng để thành tiền lệ, đến khi không còn vỉa hè, và dải phân cách thì xén vào đâu?

Tân Linh
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...