A+ A A- Kiểu đọc sách

Chữ và nghĩa: Sống ký sinh trùng?

06:54 19/08/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một tổ hợp từ nằm trong phát ngôn của một biên tập viên truyền hình trong một bản tin đã gây phản ứng trái chiều trong dư luận vừa qua. Ở đây tôi chỉ trao đổi về một vấn đề liên quan tới việc dùng từ và cách đặt câu sao cho phù hợp với giao tiếp tiếng Việt.

Chữ và nghĩa: 'Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc'

Chữ và nghĩa: 'Cha chết không lo bằng đỏ lò Tây Bắc'

Đó là một câu tục ngữ có cấu trúc so sánh quen thuộc. Dân gian thường mượn cấu trúc “A chẳng (không) bằng B”. Ví dụ: “Vợ dại không hại bằng đũa vênh”, “Chồng đánh còn hơn gánh gồng”, “Chửi cha không bằng pha tiếng”...

Phát ngôn có đoạn: "Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay là chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tại TP.HCM trở nên tiêu điều. Và khi những con phố không còn sức sống, những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?".

Việc phản ứng của dư luận trong mấy ngày qua là hoàn toàn chính đáng. Bởi biên tập viên "nhà đài" đã mắc mấy lỗi cơ bản.

Thứ nhất, tổ hợp 4 âm tiết "sống ký sinh trùng" là một kết hợp trùng ngữ, tức là có yếu tố thừa không cần thiết. Bởi ta có thể chẻ tổ hợp này ra làm 2: “sống ký sinh” và “ký sinh trùng”.

Ký sinh trùng (寄生蟲) là một từ Hán Việt 3 thành tố (ký: gửi, phó thác, ở tạm; sinh: sống; trùng: động vật bậc thấp). Ký sinh trùng là một danh từ chỉ "động vật sống dựa vào vật chủ trong một giai đoạn của chu kỳ sống, bằng cách hút chất dinh dưỡng từ cơ thể vật chủ, một số truyền bệnh gây hại cho vật chủ" (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Giun, sán, rận, rệp... chính là những ký sinh trùng. Chúng là những loại "trùng" gây hại nên bị con người tìm cách khống chế và tiêu diệt. Những em nhỏ bị giun, sán thường bụng ỏng đít beo, xanh xao gầy mòn, rất tội nghiệp.

“Sống ký sinh” là một kết hợp cả tiếng Việt (sống) và tiếng Hán (ký sinh). Đây là một đoản ngữ động từ (động ngữ) có động từ “sống” làm trung tâm, kết hợp với “ký sinh” (sinh vật sống trên cơ thể các sinh vật khác, bằng cách hút chất dinh dưỡng từ cơ thể những sinh vật ấy) là trạng ngữ chỉ trạng thái.

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Thực vật sống ký sinh ta thấy có: tầm gửi ("cây bụi nhỏ, có nhiều loài khác nhau, sống nửa ký sinh trên cành của các loài cây khác" - Từ điển đã dẫn); nấm ("thực vật bậc thấp không có diệp lục, sống trên chất hữu cơ mục nát hoặc ký sinh trên các sinh vật, một số loài ăn được" - Từ điển đã dẫn). Động vật sống ký sinh, như trên đã nói, có giun, sán, rận, rệp... "Ký sinh" không hẳn là xấu (như cây tầm gửi trên rừng nhiều khi rất quý, nhiều loài nấm có ích, làm thực phẩm hoặc làm thuốc). Nhưng đa số những trường hợp "ký sinh" khác (giun, sán...) thường hàm nghĩa tiêu cực, nghĩa xấu.

Thứ hai, người nói ở đây còn mắc lỗi cú pháp. Vì sử dụng cấu trúc "những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng trên những con phố" là thừa một chữ (trùng). Chỉ một chữ thừa này thôi đủ làm cho câu văn trở nên lủng củng, tối nghĩa. Nhưng cái này với quan trọng, việc ám chỉ một tầng lớp lao động (người bán hàng rong) là những người sống ký sinh vừa sai nghĩa từ vừa mang ý miệt thị. Bởi những người đó vốn là một lớp người làm ăn chân chính, kiếm sống bằng cách buôn bán một số mặt hàng (đồ ăn, đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết...) không theo một địa điểm cụ thể (bán rong: đem hàng hết chỗ này đến chỗ khác để bán, không ngồi cố định một chỗ nào).

Có lẽ biên tập viên này muốn nói, những người bán rong này sinh sống "ăn theo", dựa vào các hoạt động du lịch, cụ thể là bán hàng cho khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài. Giờ do dịch Covid-19 mà mọi loại khách đều vắng, nên "chàng" biên tập viên ái ngại, không biết họ "tồn tại ra sao?". Trong trường hợp này, nếu anh dùng từ "cộng sinh" thì cũng còn khả dĩ, mặc dù ngữ nghĩa không hoàn toàn thích hợp (共生, cộng sinh: [sinh vật không cùng loài] sống chung và cùng làm lợi cho nhau).

Dù vô tình hay cố ý (chắc biên tập viên lỡ lời và đã lên tiếng xin lỗi) thì sự cố này cũng thật đáng tiếc. Đáng tiếc là với trình độ một "phát ngôn viên" của một chương trình có uy tín, anh không thể đưa ra một phát ngôn mắc lỗi tới mức "chưa sạch nước cản" như vậy.

PGS-TS Phạm Văn Tình

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...