loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chắc là nhiều người còn nhớ câu thơ này. Đây là lời của nàng Kiều trong đoạn đối đáp với Thúc Sinh. Thúc Sinh, một kẻ tưởng chỉ ăn chơi “quen thói bốc rời/ Trăm nghìn đổ một trận cười như không” khi đến lầu xanh của Tú Bà, đã cảm mến tài sắc của nàng Kiều (Càng quen thuộc nết càng dan díu tình) và đã tính tới chuyện xa hơn (Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông) cho tình duyên của hai người.
Cuốn "Truyện Kiều" song ngữ dày 442 trang được in ấn tại Nhà xuất bản Thế giới ở Hà Nội và gần 750 bản in đã được chuyển sang Đức./.
Nhưng Kiều thì đã tỉnh táo nhìn ra hiện trạng nhà chàng Thúc. Nàng biết mình lấy Thúc Sinh cũng chỉ vào vai làm lẽ với những éo le khó xử:
Thế trong dù lớn hơn ngoài
Trước hàm sư tử gửi người đằng la
Cúi đầu luồn xuống mái nhà
Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng
Phận “đằng la” (đằng la: một loài cây leo giống như cây bìm bìm, chỉ thân phận người vợ lẽ) làm sao lại có thể yên ổn trước “hàm sư tử” (sư tử Hà Đông: chỉ uy thế ghê gớm của người vợ cả).
Món “giấm chua” mà Kiều dẫn ra ở đây có một điển tích thật đặc biệt.
Theo Bửu Kế - Vĩnh Cao (Tầm nguyên từ điển, NXB Thuận Hóa, 2002) thì tương truyền, Kim Hoàng đế có hai cung phi xinh đẹp mà ông rất sủng ái. Chánh cung Hoàng hậu thấy vậy rất ghen tức, nhưng sợ vua nên không dám làm gì. Lúc vua sắp mất, có trối lại là muốn hai cung phi này được chôn sống theo ông. Biết vậy, nhưng lúc vua đã băng hà, Hoàng hậu rắp tâm làm cho ước nguyện này của vua phải đổ bể. Nghĩ rằng, nếu chôn theo hai người đẹp kia thì khi xuống suối vàng, vua lại có cơ hội hú hí với “tình địch” của mình, bà liền tìm kế hủy hoại thân thể hai cung phi, bắt ngâm vào giấm chua cho đến khi cơ thể tiêu mòn xơ xác mới đem chôn (với mong muốn là xuống âm ti, hai cung phi này chẳng còn chút nhan sắc gì mà quyến rũ vua nữa). Quả là “mưu sâu kế hiểm” của người phụ nữ trong cơn ghen tột cùng.
Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội, 1974) dẫn một câu trong sách “Tiểu thuyết” của Trung Quốc: “Thố khanh bất như hoả khanh”, có nghĩa là “Hang giấm chua không bằng hang lửa nồng” để làm rõ ngụ ý trong câu nói của nàng Kiều: “Đối với hoàn cảnh của nàng lúc đó (đang ở lầu xanh với tư cách gái làng chơi) thì phải chịu cảnh ghen tuông còn khổ sở gấp mấy cảnh đi làm đĩ”.
Thật tiếc (và thật buồn) là mặc dù đã lường trước mọi chuyện rắc rối, phức tạp của tình duyên “vợ cả vợ lẽ” trong cuộc đời, cuối cùng Kiều vẫn nghe theo lời “tán ngon tán ngọt” của Thúc Sinh (Đường xa chớ ngại Ngô Lào/ Trăm điều hãy cứ trông vào một ta/ Đã gần chi có điều xa/ Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều) để rồi sa vào cảnh éo le chưa từng thấy trước mưu kế của nàng Hoạn Thư - người được coi là “đệ nhất ghen tuông” trong Truyện Kiều. Và chúng ta đã biết, Hoạn Thư đã thành công trong việc thực hiện một “kịch bản” trớ trêu “có một không hai” (Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên/ Làm cho trông thấy nhãn tiền/ Cho người thăm ván bán thuyền biết tay).
Giờ thì không chỉ Nàng Kiều và Thúc Sinh (hai người trong cuộc), chắc bao thế hệ người đọc Nguyễn Du đều đã hiểu và thấm thía câu “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng”.
Thứ “giấm” này quả là sợ thật!
PGS TS Phạm Văn Tình
loading...