loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Nga, sinh viên ngôn ngữ học, có hỏi: “Có lần trong chương trình “Chuyển động 24h” phát trên VTV1, em có nghe MC Thụy Vân nói: “Trong vòng 30 phút đồng hồ, đã có thể nấu xong một nồi cơm…”. Theo em, nói như thế là thừa, vì chỉ cần nói “trong vòng 30 phút” là đủ, cần gì phải thêm “đồng hồ” vào làm gì nữa cho rườm rà. Không rõ là em suy nghĩ như thế có đúng không?”
“Sóng” ở đây chỉ một hiện tượng mặt nước dao động, dâng lên hạ xuống như đang di chuyển về một hướng nào đó. Đó là một hiện tượng thiên nhiên. Ta thấy ở hồ, ao, sông, biển, khi có gió sẽ xuất hiện sự chuyển động của bề mặt nước phía trên, hết đợt này đến đợt khác.
Về vấn đề bạn Nguyễn Thị Quỳnh Nga hỏi, tôi nghĩ chúng ta đã gặp khá nhiều trong cuộc sống. Tôi nhớ, cách đây khá lâu, trong một bài báo (trên tạp chí “Ngôn ngữ & Đời sống”, số 12, 1997), GS Cao Xuân Hạo đã bàn khá kỹ về những hiện tượng gọi là “trùng ngữ” (pleonasm) như vậy trong tiếng Việt.
Trong bài này, Cao Xuân Hạo không đồng tình (và kịch liệt phê phán) một số cấu trúc diễn đạt, chẳng hạn: một giống chim có cánh, ánh nắng mặt trời, lừa dối một cách trung thực, ăn cắp một cách lén lút… Theo ông, bản thân một từ cho trước đã diễn tả đủ nội hàm khái niệm nên việc đưa thêm từ mới nữa là thừa (“chim” nào chả có cánh, “ánh nắng” thì chỉ có từ mặt trời, chứ ở đâu?).
Cũng còn có nhiều cách nói “thêm để mà thêm” chứ chẳng đem lại chút thông tin gì cả: nhà vua hoàng đế, cô gái thiếu nữ (này), câu chuyện sự tình (kia) v.v… Không ít người lên diễn đàn muốn múa may chữ nghĩa, nói cùng một lúc cả từ Hán Việt lẫn từ thuần Việt, nói cả tiếng Tây lẫn tiếng ta (cho một khái niệm), cốt để khoe kiến thức. Làm như vậy rốt cuộc chỉ làm rối vấn đề, mất đi sự trong sáng, rành mạch cần phải có của ngôn ngữ đời thường.
Câu hỏi của Quỳnh Nga lại là một chuyện khác. Thực tế, chúng ta còn nghe nói, chẳng hạn: “Trận đấu gián đoạn mất gần một giờ đồng hồ”, hoặc “Có lẽ việc này phải hai tiếng rưỡi đồng hồ nữa mới xong”. Trong ngôn ngữ học, người ta gọi đó là hiện tượng trùng ngôn (tautologie).
Cũng theo Cao Xuân Hạo, nhiều lúc cách nói này dễ bị coi là “ngớ ngẩn” nhưng nó “tuyệt nhiên không phải là một lỗi, dù là lỗi ngữ pháp hay lỗi logic. Dùng trùng ngôn trong những trường hợp thích hợp là những hành động ngôn từ hoàn toàn bình thường và nhiều khi rất đắc dụng. Thí dụ câu “Tam giác là một hình ba góc” chính là phát biểu một trùng ngôn không thể thiếu được trong một bài hình học mở đầu”. Cách nói kiểu “ba mươi phút đồng hồ” hay “một tiếng đồng hồ” cũng là một dạng trùng ngôn chấp nhận được, mặc dù chỉ cần nói “ba mươi phút”, “một tiếng”… là một người Việt bình thường đã có thể hiểu một cách “ngon lành”.
Sở dĩ, người ta thêm từ “đồng hồ” vào tổ hợp, để xác nhận đó là đơn vị chỉ thời gian. Cũng bởi vì, từ “phút”, ngoài việc dùng để chỉ “đơn vị đo thời gian, bằng 60 giây” còn dùng để chỉ “đơn vị đo góc phẳng, góc quay, bằng 1/60 độ”.
Từ “tiếng” cũng thế. Tiếng, ngoài 6 nghĩa cơ bản (1. cái có thể nghe được bằng tai - tiếng nước chảy; 2. chỉ âm tiết tiếng Việt - câu lục bát có 6 tiếng; 3. ngôn ngữ - tiếng Việt, tiếng Anh; 4. giọng nói của riêng một ai đó hay một vùng miền - tiếng mẹ gọi, tiếng Nghệ; 5. lời nói, ý kiến một cá nhân nào đó - ngồi im không lên tiếng; 6. lời bàn tán, khen chê trong xã hội - lời ra tiếng vào, mang tiếng vào thân) còn dùng để chỉ “khoảng thời gian một giờ, tương đương với 60 phút”. Tiếng đồng hồ ở đây dùng để chỉ khoảng thời gian được đo bằng đồng hồ - một dụng cụ rất thông dụng với mọi người.
Trùng ngôn có giá trị mở rộng nghĩa, theo cơ chế phân bố bổ sung. Nó làm cho nội dung diễn đạt rõ hơn, giàu sắc thái hơn. Ví dụ như câu trong ca dao “Nửa đêm giờ Tý canh ba/ Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi” thì “vợ”, “con gái”, “đàn bà”, “nữ nhi” đều dùng để chỉ một đối tượng nữ giới. Nhưng mỗi từ lại có nét nghĩa riêng. Vợ chỉ “người phụ nữ đã kết hôn”, con gái chỉ “người phụ nữ còn trẻ”, đàn bà chỉ “người khác giới đàn ông, với những bổn phận riêng”, nữ nhi chỉ “người được coi là yếu đuối, liễu yếu đào tơ, cần được bảo vệ”.
Từ mà Quỳnh Nga gọi là “thừa” trong phát ngôn của MC Thụy Vân (vừa nói trên) là hoàn toàn chính xác. Nhưng đó là cái thừa chấp nhận được. Trong giao tiếp, đôi khi chúng ta phải dùng và chấp nhận một “độ dư cần thiết” để cho nội dung ngôn từ phù hợp với ý đồ diễn đạt của người nói.
PGS -TS Phạm Văn Tình
loading...