(Thethaovanhoa.vn) - Chưa bao giờ chuyện vỉa hè lại nóng như bây giờ, dù dọn dẹp vỉa hè, tạo đường thông, hè thoáng là chủ trương xuyên suốt và có lịch sử của nó. Bị người dân lấn chiếm để buôn bán, kinh doanh, vỉa hè ở nhiều đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM trở nên lộn xộn và lâu dần trở thành hình ảnh xấu, một thói quen xấu mà nhiều người nghiễm nhiên chấp nhận.
Chẳng riêng gì nước ta, năm 2015, Thái Lan tiến hành một “chiến dịch quy mô lớn” quy hoạch lại
vỉa hè thủ đô theo mẫu của Hong Kong, Singapore. Những người bán rong được gom về 600 khu vực được thiết kế theo chuẩn mẫu chung như quầy hàng diện tích dưới 2m vuông, bề rộng phải chừa ra 1m vỉa hè và không được cao quá 1,5m. Hàng nghìn người bán hàng rong sống bám vào vỉa hè Bangkok nhiều chục năm đối diện với nguy cơ mất nguồn sống.
Cũng có vô vàn ý kiến, nào là phát sinh tệ nạn, nào là nỗi lo an sinh, quay lại với đồng ruộng với đất đai cằn cỗi, họ kiếm đâu ra thu nhập khi trước đó họ đã phải rời đi. Đến nỗi tờ Bangkok Post đặt câu hỏi: Bangkok có nhất thiết phải chạy theo Singapore? Vỉa hè Singapore có phải là một kiểu mẫu đúng nhất cho chúng ta?
Trước đây, có đến cả trăm lần Hà Nội tỏ ra kiên quyết với chuyện dọn dẹp hàng quán, tịch thu quang gánh, phạt người bán hàng… để rồi đâu lại vào đấy. Bởi vỉa hè là nơi bao nhiêu con người dựa vào để kiếm sống, không chỉ là những người chường mặt ra đường.
Lực lượng chức năng quận Hai Bà Trưng ra quân xử lý các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại phố Trần Xuân Soạn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Vỉa hè chứ không phải là các trung tâm thương mại hào nhoáng hay các chung cư cao cấp vừa là bộ mặt, vừa là tinh thần của đô thị.... Vỉa hè là lời giới thiệu trực tiếp nhất về con người và cuộc sống của một thành phố. Như Tokyo, Singapore... vỉa hè dành cho người đi bộ, người đi xe đạp, tuyệt đối không hàng rong lấn chiếm, không một cọng rác, không người tùy tiện đứng ngồi, để xe cộ thoải mái. Sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp đến mức… không hiểu nổi. Vỉa hè là một nơi chốn bình yên thanh sạch không thể tả nổi, ném cái rác ra là bị phạt.
Ở ta, khi vỉa hè nhiều tuyến phố được trả lại cho người đi bộ, cuộc sống và sinh hoạt của một số hộ dân lâu nay quen với việc "bám vỉa hè" đã có nhiều thay đổi.
Như tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, trên các tuyến đường Hàng Đào, Hàng Giầy, Hàng Dầu, Hàng Bông... hầu hết đều không còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè như trước. Hai bên đường, các hộ kinh doanh quán cà phê, nhà hàng… đều để xe ngăn nắp, không cản lối đi của người đi bộ. Những cửa hàng kinh doanh sắp xếp xe máy nằm phía trong vạch sơn quy định không lấn chiếm vỉa hè. Người đi bộ đi qua đây khá thoải mái.
Các tuyến đường như Tạ Hiện, Hàng Buồm… lâu nay vốn là địa bàn của các nhà hàng, quán nhậu nên việc lấn chiếm vỉa hè không có gì xa lạ. Đến thời điểm này những đoạn vỉa hè đã được trả lại hiện trạng rộng rãi, thẳng tắp... khó ngờ. Những tuyến đường thông thoáng trở lại.
Nói chung, ai đã quen với vỉa hè Hà Nội, vỉa hè TP.HCM và các thành phố khác ở Việt Nam, sẽ không bao giờ hình dung ra được sẽ có một ngày mà vỉa hè mà lại có thể ung dung đi bộ thoải mái như Tokyo, Singapore vậy.
Thế nên mới thấy sự thay đổi dù chỉ là 1 chút chút ở vài ba quận trung tâm các đô thị cũng là kinh khủng lắm. Vấn đề là chúng ta cùng chờ xem sự thoải mái đó được bao lâu?
Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa