A+ A A- Kiểu đọc sách

Chờ kỳ tích phim Việt 1.100 tập

09:10 21/11/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bộ phim Hồ sơ lửa (1.100 tập) sắp bấm máy, mà hoàn thành được số tập, đã là một kỳ công, thành công về phát sóng (so với mặt bằng chung của phim truyền hình Việt Nam) và sẽ là một kỳ tích.

Tại sao vậy? Vì Hồ sơ lửa thuộc thể loại phim hình sự, tái hiện lại quá trình phá án trong suốt 40 năm qua, đây là thể loại vốn rất khó làm phim dài tập. Với vài trăm tập/phim, tại Việt Nam chưa có tiền lệ, mà trên thế giới cũng hiếm gặp, còn với các phim truyền hình dài hơn 1.000 tập thì gần như chưa có.

Trong top 100 phim truyền hình dài hơn 1.000 tập thành công của thế giới, chủ yếu vẫn là các thể loại mâu thuẫn gia đình, tâm lý xã hội, yêu đương ngang trái.


Ra mắt dự án “siêu phim” dài 1.100 tập "Hồ sơ lửa"

Về kỹ thuật thể hiện, nó thường được gọi chung là soap-opera (dịch nôm na: kịch-nấu cháo, kiểu như “náo cháo điện thoại mà người Việt mình hay nói), nơi các nhân vật chính sẽ trải qua những yêu đương ngang trái, thăng trầm, thành công, hạnh phúc, bi thương… nhằm hướng tới khán giả nội trợ.

Ví dụ như Guiding Light (15.700 tập), As The World Turns (13.858 tập), General Hospital (hơn 13.333 tập), Days Of Our Lives (hơn 12.614 tập), All My Children (10.755 tập), The Young And The Restless (hơn 10.692 tập)… - tất cả đều thành công nhờ vào khả năng “nấu cháo” chuyện đời, tình người.

Hoặc như các phim từng chiếu tại Việt Nam như Nô tì Isaura (100 tập), Đơn giản, tôi là Maria (126 tập), Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (200 tập), Người giàu cũng khóc (248 tập), Cô dâu 8 tuổi (hơn 2.000 tập), Đời sống chợ đêm (1.008 tập), Khi người ta yêu (576 tập)… cũng là phim-nấu cháo.


Bộ phim "Cô dâu 8 tuổi" dài hơn 2.000 tập

Những trường hợp phim hình sự thành công như CSI: Crime Scene Investigation (229 tập, vẫn còn tiếp tục), The Blacklist (75 tập, vẫn còn tiếp tục)… thuộc diện rất hiếm hoi. Xét về thể loại, phim hình sự thuộc loại tốn kém và khó làm nhất, nhiều ý kiến xếp nó khó ngang với phim lịch sử. Đây cũng là một lý do làm cho những bộ phim cổ trang như Phật hoàng Trần Nhân Tông (dự kiến 45 tập, đạo diễn: NSƯT Văn Lượng) chuẩn bị 5 - 7 năm rồi mà chưa bấm máy được.

Chính Văn Lượng có lần đã cho biết, nếu phim này mà thuộc tâm lý xã hội… thì chắc đã bấm máy và chiếu từ lâu rồi. Phim cổ trang ngoài đầu tư lớn, thì cũng khó làm cho đúng, cho mượt mà, nên nhiều đối tác sản xuất luôn e dè, cẩn thận. Nó cũng là lý do làm cho các bộ phim cổ trang dài tập khác như Lý Công Uẩn: Đường tới thành Thăng Long, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô… chịu nhiều búa rìu dư luận khi phát sóng.

Kịch bản của “Hồ sơ lửa” do nhà văn Lại Văn Long chấp bút chính, sẽ mời các nhà biên kịch khác viết đồng hành. Theo dự kiến thì phần 1 với tên gọi Mật danh Đ9 sẽ bấm máy vào cuối tháng 11/2016, do đạo diễn Võ Ngọc dàn dựng. Những phần tiếp theo thì chưa biết kế hoạch cụ thể, có thể phải chờ sau khi phần 1 lên sóng SCTV14, dự kiến vào tháng 3/2017.

Về công tác đạo diễn, cũng chưa biết Võ Ngọc sẽ làm tiếp, hay là sẽ mời các đạo diễn khác thực hiện. Đây là chưa nói thể loại hình sự cũng thường khó thu hút quảng cáo, nếu “Hồ sơ lửa” chỉ trông chờ vào việc bán quảng cáo để thu hồi vốn và tái đầu tư, cũng là một sự nan giải. Như vậy là những khó khăn và thách thức vẫn sẵn bày trước mắt, rất hy vọng họ sẽ vượt qua, sẽ làm được phim có chất lượng, để mở ra một tiền lệ và kỷ lục tốt cho phim truyền hình Việt Nam.

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...