loading...
(Thethaovanhoa.vn) - “Ở nhà là bình an”, “Ở nhà là hạnh phúc”, “không ra ngoài khi không thật sự cần thiết”… đã trở thành trách nhiệm của mỗi người trong 15 ngày thực hiện “cách ly xã hội” để phòng chống dịch Covid-19.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 tại Việt Nam chúng tôi tuần này đã chuyển sang giai đoạn mới. Bắt đầu từ 0h ngày 1/4/2020, chúng tôi phải thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc.
Mới chừng một tuần trôi qua, mà tôi đã bắt đầu thấy một số người lên mạng xã hội than phiền về việc không biết làm gì khi ở nhà, vì “một ngày như mọi ngày”.
Tôi đọc được chia sẻ của một nhà ngôn ngữ học, anh kể câu chuyện rằng: Có lần, US Today - một tờ báo Mỹ nối tiếng - tổ chức cuộc thi, với câu hỏi: "Theo bạn, cuốn sách nào, được coi là duy nhất, hay nhất mà ai đó một mình trên đảo vắng (như Robinson Crusoe) cần đến?". Có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Cuối cùng, nghệ sĩ nổi tiếng Sexterston đã đoạt giải Nhất với câu trả lời độc đáo: "Trong trường hợp như thế, cuốn sách tốt nhất là cuốn sách hướng dẫn đóng một chiếc thuyền".
Trong đầu tôi chợt nghĩ, hay tiến hành khảo sát, thăm dò ý kiến cộng đồng xem là 15 ngày “cách ly xã hội” thế này, bộ phim nào phù hợp nhất, xứng đáng nhất để xem bây giờ? Có thể cũng sẽ có rất nhiều câu trả lời, nhưng với cá nhân tôi thì đó là bộ phim Ngày chuột chũi (Groundhog Day).
Ngày chuột chũi là bộ phim kể về cuộc sống của Phil Connors - một nhân viên làm công việc dự báo thời tiết của đài truyền hình. Ngày ấy, anh cùng đồng nghiệp đến đưa tin về lễ hội truyền thống của người dân xứ Punxsutawney, cùng nhau theo dõi xem chú chuột chũi dự báo về thời tiết mùa Đông năm nay dài hay ngắn.
Không may, đấy là thời điểm bão tuyết tràn về khiến cho anh bị kẹt lại ở vùng mà anh cho là “quê mùa”, kém cỏi.
Những ngày đầu mắc kẹt tại đây, Phil cảm thấy cực kỳ khó chịu, ngày nào cũng như ngày nào, vẫn những con người ấy, vẫn công việc ấy, thậm chí cả rủi ro ấy, khiến anh chán nản đến mức tuyệt vọng, muốn tự tử… Nút thắt của phim được tháo dần khi Phil hiểu rằng, mọi sự kiện trong ngày đều không thể thay đổi. Chỉ có anh buộc phải thay đổi chính bản thân mình để thích nghi. Anh đã bắt đầu quan tâm hơn tới những người xung quanh, để ý giúp đỡ từ người già cô đơn, đến cứu giúp những đứa trẻ gặp rủi ro, rồi ngay cả người dân đi đường bị xịt lốp xe.
Anh thay đổi cách cư xử với các đồng nghiệp, đi học đàn piano, học điêu khắc… Và điều quan trọng nhất anh nhận ra đó chính là: “Mùa Đông cũng chỉ là một giai đoạn trong chu kỳ cuộc sống, và khi đứng đây giữa hàng ngàn người dân xứ Punxsutawney, cảm nhận hơi ấm từ những trái tim nồng nhiệt, tôi không thể tưởng tượng được điều gì giá trị hơn… một mùa Đông dài và rực rỡ”.
Kết quả anh có được tình yêu đích thực với Rita - một nữ đồng nghiệp.
***
Tất nhiên “cách ly xã hội” của chúng ta hiện tại không giống bối cảnh và nội dung trong phim, nhưng với nhiều người, nó cũng là quanh quẩn trong không gian ngôi nhà mình: ăn uống, xem TV, lướt Facebook, hoặc làm các việc khác, rồi đi ngủ…, đại khái như vậy trong 15 ngày. Mặc dù trong phim tình tiết được hư cấu, nhưng nếu như bỏ qua yếu tố văn hóa vùng miền thì chúng ta cũng học được rất nhiều từ chàng Phil, đó là cách biến những ngày tránh bão tuyết buồn tẻ, nhạt nhẽo thành những sự kiện vui vẻ, yêu đời, đáng sống.
Đọc nhiều trang mạng xã hội đưa ra các gợi ý cho mọi người những công việc phù hợp có thể làm thời điểm này như là trồng cây, chăm sóc hoa, học cách may khẩu trang phòng dịch bệnh, tham gia các công việc hỗ trợ, đóng góp giúp đỡ cộng đồng bằng các tin nhắn, tìm đọc những cuốn sách hay, nội dung phù hợp… Tôi nghĩ đó là những gợi ý hay. Biết đâu khi làm những việc làm ấy, chúng ta lại phát hiện mình có những kỹ năng gì đó nhưng chưa áp dụng vào cuộc sống hàng ngày?
Trong phim thì nhân vật Phil đi học piano. Còn chúng ta, tôi nghĩ lúc này mọi người nên chọn ca khúc “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nghe, lời cuối ca khúc rất phù hợp với hoàn cảnh chúng ta bây giờ: “Mỗi ngày tôi chọn ngồi thật yên/ Nhìn rõ quê hương ngồi nghĩ lại mình/ Tôi chợt biết rằng, vì sao tôi sống/ Vì đất nước cần một trái tim”. Ngày giỗ của ông cũng vừa mới qua được mấy hôm, nghe lại ca khúc của ông cũng có thể coi là tưởng nhớ đến người nhạc sĩ này. Cũng có thể nó giúp cho chúng ta trả lời được câu hỏi “Vì sao tôi sống?”.
Cách đây mấy năm, tôi có đọc một bộ sách 3 tập có tên Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi. Câu chuyện của nhân vật Phil trong phim Ngày chuột chũi là một minh chứng cụ thể cho nội dung chính của cuốn sách ấy. Hãy biến những ngày “cách ly xã hội” trở thành những ngày tự “khám phá bản thân mình” bằng cách thích nghi, thay đổi cách sống, cách nghĩ cho phù hợp với thực tế.
Quốc Khánh
loading...