loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Em trai tôi là một người khéo tay, thích làm việc nhà và rất quan tâm đến những người xung quanh. Nhưng thỉnh thoảng, cậu vẫn nhận được những câu như thế này từ các bà các cô, nhất là trong những lần về quê: “Đàn ông chăm chỉ thế làm gì, khéo lại lấy phải vợ đoảng”.
Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 là ngày trên toàn thế giới dành ra để tôn vinh những người phụ nữ. Ngày mà phái mạnh luôn dành cho một nửa thế giới những tình cảm sâu sắc và lòng biết ơn nhất bằng những lời chúc 8/3 hay những món quà 8/3 ý nghĩa.
Những câu nói ấy được ném ra một cách vô tư mỗi khi cậu ấy đứng lên dọn cơmrửa bát sau những bữa cỗ, nhiều đến mức thành quen và người nghe cũng chẳng buồn phản ứng. Đơn giản, như cậu bảo, thật khó có thể thay đổi tư duy của những người phụ nữ vốn sinh ra đã vất vả, ngày thì bán mặt cho đất bán lưng cho trời, về nhà thì cắm mặt vào bếp và chăm nom con cái.
Để rồi, những hôm họ hàng có giỗ, những người phụ nữ ấy lại cùng với biết bao các bà, các cô khác lập thành một hội đặc biệt để làm chức phận nấu ăn, rửa bát của mình.
Cái nghèo cái khổ và những tư duy định kiến rất cũ kỹ về chức phận của đàn ông- người phụ nữ được phân chia quá rạch ròi, rành mạch đã khiến họ không nghĩ cần phải thay đổi những quy tắc ấy, dù đây đã là thế kỷ 21. Ở những bữa cỗ quê, chính bản thân tôi cũng bị ngăn cản cái việc thật đơn giản là mang bát đĩa bẩn ra bồn để rửa - khi mọi người bảo đừng động vào, việc ấy là của cánh phụ nữ và hãy ngồi uống nước đi.
Câu chuyện nhỏ này liên quan tới tư duy vẫn tồn tại trong một xã hội đang dần có những biến chuyển quanh các vấn đề của người phụ nữ. Ở thành phố, sự thay đổi đang diễn ra, nhất là ở những gia đình có những người chồng, người vợ trí thức hoặc có chút Tây học. Nhưng ở những vùng nông thôn chỉ cách Hà Nội chừng hơn 1 tiếng chạy xe trên đường cao tốc, hầu như chưa có gì thay đổi. Và những mâu thuẫn âm ỉ nảy sinh,giữa những gia đình trẻ sinh ra ở nông thôn nhưng lập nghiệp ở thành phố và đã có tư duy sống hiện đại, với chính cha mẹ ông bà họ đang sống ở quê, là không thể tránh khỏi.
Giống như, một ông anh đã nói với tôi rằng, anh sẽ không thể chấp nhận cảnh cô con dâu Hà Nội về quê chồng mà không rửa bát, sau khi tôi nói với anh rằng, phụ nữ hiện đại khác rồi và hãy tôn trọng họ, khi chính “người lớn” cần phải nghĩ khác đi. “Nó phải làm thế để họ hàng nhìn vào chứ, sao lại để chồng rửa bát?” - anh phản đối.
Sự thay đổi của những tư duy liên quan đến chức phận của người phụ nữ, tạo điều kiện cho họ phát triển hơn nữa trong cuộc sống và không cột chặt họ vào những quan niệm cũ kỹ là điều tất yếu. Nhưng thực ra, chúng không thể chỉ bắt đầu từ phụ nữ.
Nhìn những phong trào đòi bình đẳng bình quyền được bắt đầu từ đầu thế kỷ 20 và những người đứng đầu các phong trào ấy là phụ nữ, chúng ta tự hỏi: Vậy đàn ông ở đâu trong những thay đổi ấy? Phải chăng họ không nhận thấy chính mình cũng được lợi từ việc “nửa kia” trở nên thông minh, mạnh mẽ, phát triển hơn? Hay, họ không muốn làm bất cứ điều gì, như ông anh tôi, vì sợ mất uy quyền và hình ảnh trong chính gia đình mình?
Khi người ta vẫn còn rầm rộ biến những ngày 8/3 thành ngày của sự tôn vinh chức phận và sự hy sinh của phụ nữ (và sự hy sinh ấy, đương nhiên đàn ông được lợi), tặng cho họ hoa mà quên mất rằng, lẽ ra phải coi ngày ấy là cơ hội để nói lên những vấn đề của phụ nữ, từ bạo lực và phân biệt đối xử với họ và trẻ em gái, thì những người như ông anh tôi hay như những bà bác đã “phán xét” em trai tôi vẫn còn nhiều.
***
Mới rồi, tôi có tham dự một diễn đàn đặc biệt mà ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của LHQ ở Việt Nam gọi là “sự kiện lịch sử”. Đây là diễn đàn đầu tiên tại Việt Nam mà ở đó, nam giới và trẻ em trai cũng lên tiếng tham gia thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
Ở đó, lần đầu tiên người ta nói rằng đàn ông Việt Nam không thể đứng ngoài các vấn đề của phụ nữ, không phải chỉ vì sự tiến bộ của phụ nữ để họ được hưởng lợi, mà vì cả những người đàn ông. Đấy là sự giải phóng đàn ông khỏi các quan điểm cổ hủ và đầy định kiến về giới, rằng đàn ông phải thế này, phải thế kia, là thúc đẩy hạnh phúc của cả họ và nữ giới, là việc nuôi dạy những đứa con mà họ đẻ ra thành những người văn minh trên cơ sở đồng thuận.
Sẽ ngày càng có nhiều người đàn ông văn minh và tiến bộ, bởi họ mong muốn những người phụ nữ của họ cũng vậy, và ngược lại…
Anh Ngọc
loading...