loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, câu chuyện về cụm di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) bỗng được hâm nóng trở lại, khi giới chuyên môn cùng lên tiếng về việc một phần diện tích tại đây tiếp tục bị xâm hại khi san lấp mặt bằng để làm đường.
Ngày 22/10, tại Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò, khai quật nghiên cứu khảo cổ học cụm di chỉ Vườn Chuối năm 2019 tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức (Hà Nội), đại diện Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất UBND thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt phương án bảo tồn hợp lý, kết hợp hài hòa giữa mục tiêu bảo tồn
Cụ thể, đó là khu vực thuộc các gò Dền Rắn và Mỏ Phượng - vốn nằm lọt trong quy hoạch của tuyến đường vành đai 3.5, cũng như tuyến đường nội bộ của một khu đô thị sắp mọc lên tại đây. Đáng nói, cũng chỉ vài tuần trước, Viện Khảo cổ Việt Nam vừa hào hứng công bố kết quả khai quật sơ bộ tại khu di chỉ này, kèm theo các phương án bảo tồn.
Thực tế, những gì đang diễn ra ở Vườn Chuối là một câu chuyện mới mà cũ.
Tròn 50 năm kể từ khi được phát hiện (1969), di chỉ này đã trải qua gần chục cuộc khai quật nhỏ lẻ rải rác, để rồi phát lộ một hệ thống di vật vô cùng phong phú bao gồm mộ táng, hố hành lễ, gạo hóa than, khuôn đúc đồng. Và, với các nhận định ban đầu về dấu vết của một cụm dân cư tồn tại trong khoảng 1.000 đến 3.500 năm trước, Vườn Chuối ít nhiều chính là “ngôi nhà” của các cư dân đầu tiên tại Hà Nội, trong thời kỳ văn hóa Hùng Vương.
Thế nhưng, cũng ngần ấy năm, do những bất cập mà lịch sử để lại, khu Vườn Chuối chưa từng được chính thức công nhận là di tích văn hóa lịch sử cần bảo tồn. Thậm chí, năm 2007, khu đất này (vốn thuộc tỉnh Hà Tây cũ) còn được giao cho doanh nghiệp để xây dựng khu đô thị. May mắn, khi mà dự án này chậm triển khai, giới chuyên môn mới có cơ hội bắt đầu một cuộc “chạy đua” để cứu Vườn Chuối.
Như lời PGS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH Quốc gia Hà Nội) - một trong những chuyên gia gắn bó nhiều nhất với di chỉ này - từ chục năm trước, giới chuyên môn đã nhiều lần “gõ cửa” tất cả các cơ quan chức năng cần thiết để đề nghị bảo tồn Vườn Chuối. Gần nhất, vào năm 2017, PGS Nguyễn Văn Huy - một chuyên gia quê tại Lai Xá - lại một lần nữa viết thư ngỏ gửi lãnh đạo Hà Nội về câu chuyện này. Để rồi, phải tới giữa năm 2019, những nỗ lực ấy mới mang lại chút thành quả đầu tiên, khi Bộ VH, TT& DL chính thức cho phép khai quật Vườn Chuối , đồng thời thu thập hồ sơ tổng quát để “đánh giá giá trị và đề xuất phương án bảo tồn” .
Gọi là “thành quả đầu tiên”, bởi như lo ngại của những người trong cuộc, khi mà Vườn Chuối chưa được “chính danh” để xếp hạng di tích, nguy cơ xâm hại cụm di chỉ này hoàn toàn có thể xảy ra do những khoảng trống về luật. Và thực tế, những gì vừa diễn ra cho thấy nỗi lo ấy là hoàn toàn hợp lý.
***
Cũng cần nhắc lại, ở một khu vực chưa đô thị hóa mạnh như thôn Lai Xá, cộng đồng địa phương lại đặc biệt có ý thức bảo tồn và gìn giữ những di sản mà cha, ông họ từng để lại.
Ở Lai Xá, ngoài PGS Nguyễn Văn Huy còn có những người dân thường xuyên căng sức đối phó với nạn đào trộm cổ vật vốn đã xuất hiện tại đây trong vài năm qua. Trong đó có ông Phạm Văn Hùng luôn chắt chiu gom nhặt và lưu giữ hàng trăm mảnh rìu, dao, đồ gốm, mũi tên… với hy vọng sẽ hiến tặng những món cổ vật đó khi một bảo tàng về di chỉ Vườn Chuối được xây dựng. Hoặc ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch CLB Nhiếp ảnh Lai Xá (mang tên tổ nghiệp Nguyễn Đình Khánh) thường xuyên hì hục chụp lại những bức ảnh về khu di chỉ để “vớt vát” trước nỗi lo bị xâm hại.
Tất cả cộng đồng ấy đều mong mỏi tới ngày di chỉ vườn Chuối được công nhận, tôn tạo và bảo tồn, thậm chí được quy hoạch để trở thành một “công viên khảo cổ” đặc biệt phục vụ du lịch và giáo dục, giống như ý tưởng đã giúp PGS Nguyễn Văn Huy giành giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) vào năm 2018.
Như lời ông, khi mà lịch sử là yếu tố tạo nên nét đẹp và chiều sâu văn hóa của một đô thị ngàn năm tuổi như Hà Nội, chúng ta không thể bỏ quên “ngôi nhà” của những công dân đầu tiên trên mảnh đất này…
Anh Bảo
loading...