(Thethaovanhoa.vn) - Người ta từng bàn tán xôn xao về việc nên hay không nên nhập Tết “ta” với Tết “tây”. Hay như GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất lâu nay là “Tết hội nhập”.
Chao ôi! Tết đơn giản là… Tết. Làm sao mà phải băn khoăn nhiều đến thế và tranh cãi nhau nhiều đến thế. Bao nhiêu năm nay, Tết nào cũng tồn tại. Nghỉ tết Dương lịch, đôi khi trùng với Thứ Bảy, Chủ Nhật là ba bốn ngày. Xong lại đi làm.
Ấy là nói người lao động trong lĩnh vực hành chính hay trong cơ quan nhà nước và công nhân các nhà máy xí nghiệp…Còn khu vực nông thôn vốn chiếm 2/3 dân số thì gần như… bỏ qua cái Tết này. Họ không cần có pháo hoa hay chúc tụng gì vào ngày Tết “tây” ấy. Họ phải làm cho xong mùa màng để đón cái tết Việt ấm cúng vui vẻ theo truyền thống.
Giới trẻ Việt Nam vui đón Giao thừa Tây
Với người nông thôn và đại đa số người dân, Tết “ta” mới là Tết cổ truyền, gọi là “Tết cả”. Tết ấy là ngày trọng đại nhất trong một năm.
***
Tết “ta” là ngày hội đoàn viên của mỗi gia đình họ tộc. Tết là dịp để ông bà, cha mẹ, con cháu sum họp sau một năm làm ăn buôn bán ngược xuôi; là dịp để cháu con báo đáp ân nghĩa sinh thành, dưỡng dục.
Tết trước tiên là lễ ông Công, ông Táo về trời 23 tháng Chạp. Rồi lễ cúng Ba mươi, lễ Giao thừa - thời khắc thiêng liêng trong mỗi gia đình. Mùng một Tết, ngày đầu năm, cháu con đến thăm ông bà, cha mẹ chúc Tết mong một năm mới an lành. Ngày đó, anh em bạn bè bỏ hết giận hờn hiềm khích cùng bắt tay nhau, chúc cho năm mới tốt lành.
Nét đẹp ấy mang tính nhân văn cao cả. Và sau Tết ai ai cũng háo hức tham gia lễ hội…Và hội hè cũng là những sân chơi dân gian chứa đựng chiều sâu văn hóa. Hòa mình vào lễ hội là để hướng về nguồn cội, tắm lại dòng sông ký ức. Và đó là kỳ nghỉ có ý nghĩa nhất với mỗi người.
Hội nhập không có nghĩa là hòa tan, cả văn hóa, lối sống và tập tục… Cái Tết cổ truyền là dịp “nghỉ phép toàn dân”. Đừng đổ lỗi cho Tết dài ngày làm đất nước “không hội nhập thế giới”. Hiệu quả hội nhập bắt nguồn từ việc tổ chức, quản lý chứ không ở một kỳ nghỉ.
***
Thiết nghĩ chỉ nên bàn xem Tết cổ truyền Việt nên tổ chức mấy ngày là vừa, là hợp lý.
Xưa nay các cụ vẫn hay nói “ba ngày Tết”. Nghĩa là Tết quan trọng nhất là ở ba ngày đầu tiên năm mới. Nhưng gần đây, Nhà nước mỗi năm ban bố số ngày nghỉ Tết theo chiều hướng kéo dài, từ ba bốn ngày khi trước, nay có năm lên tới 9 ngày (gộp cả ngày nghỉ Cuối tuần).
Nhưng nghỉ Tết chỉ chiếm độ 5 ngày hành chính. Thời gian ấy thực ra là vẫn ít bởi đặc điểm đất nước mình quá dài về địa lý. Người Nam về Bắc, kẻ Bắc vô Nam ăn Tết thì riêng đi tàu xe đã mất 2 đến 4 ngày đi, về rồi.
Hãy xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể cho Tết Việt cổ truyền để bảo tồn và phát huy. Tại sao không?
Tân Linh
Thể thao & Văn hóa Xuân Bính Thân 2016