A+ A A- Kiểu đọc sách

Cần chớp thời cơ từ các siêu phẩm như 'Kong: Skull Island'

13:33 26/07/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Khán giả Việt Nam từng phát sốt khi đoàn làm phim Hollywood đến Việt Nam quay bom tấn Kong: Skull Island. Nhiều thắng cảnh của Việt Nam đã được chọn làm bối cảnh cho những bộ phim đình đám thế giới. Và bây giờ, không chỉ khán giả Việt Nam và cư dân khắp hành tinh đang háo hức chờ đợi khi trailer của siêu phẩm này vừa được tung ra.

Kong: Skull Island là bộ phim quái vật Mỹ của đạo diễn Jordan Vogt-Roberts. Năm 2016, Việt Nam được chọn làm phim với bối cảnh chính là một thung lũng rộng trong lòng quần thể di sản thế giới Tràng An ở Ninh Bình. Bên cạnh đó hàng loạt danh thắng nổi tiếng ở Việt Nam được ghi hình là Trường An, Vân Long, Tam Cốc ở Ninh Bình, vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh và Phong Nha, Quảng Bình.

Trong trailer mới ra mắt, những danh thắng ở Việt Nam hiện lên lung linh và huyền hảo. Vịnh Hạ Long với hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, Ninh Bình với đồi núi trập trùng và những đàn cò trắng bay rợp trời… qua kĩ thuật hậu kì của Hollywood trở nên thật sự bắt mắt và cuốn hút.


Một cảnh núi non hùng vĩ của Việt Nam trong đoạn trailer trong phim "Kong: Skull Island". Ảnh: Warner Bros.

Trailer này mới ra mắt nhưng đã thu về hàng chục triệu lượt xem trên Youtube cùng với nhiều lời khen ngợi của khán giả quốc tế về phong cảnh tại Việt Nam. Một đoạn quảng cáo vô tiền khoáng hậu cho du lịch Việt Nam, kỳ công và ăn khách hơn bất cứ clip quảng bá du lịch nào mà chúng ta thực hiện trước đó.

Trước Kong: Skull Island, Việt Nam từng xuất hiện trong không ít những bộ phim đình đám thế giới, nếu không muốn nói là những “siêu phẩm”. Ví dụ "Pan" là một bộ phim nổi tiếng của Mỹ sản xuất năm 2015 của đạo diễn Joe Wright với sự tham dự của nhiều diễn viên nổi tiếng. Đoàn phim đã chọn bối cảnh Vịnh Hạ Long để quay những cảnh mang tính chất huyền ảo, thần tiên của nhân vật cậu bé Pan tại vùng đất Neverland.

Không chỉ chọn Hạ Long, khán giả Việt xem phim có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh ruộng lúa xanh biếc với dòng sông uốn lượn bên sườn núi là những cảnh đẹp đặc trưng của vùng đất cố đô Ninh Bình trong phim. Ngoài ra, đoàn phim "Pan" còn lựa chọn Hang Én, hang động lớn thứ 3 thế giới ở Quảng Bình.

Hay trước đó là phim Đông Dương (tiếng Pháp: Indochine) là một bộ phim Pháp của đạo diễn Régis Wargnier công chiếu lần đầu năm 1992, được trao Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất. Đoàn làm phim Đông Dương đã vào tận hậu cung của Kinh thành Huế để thực hiện những cảnh quay. Ngoài Huế, đoàn phim Đông Dương đã quay những cảnh đẹp khắp Việt Nam như nhà thờ Phát Diệm, Ninh Bình, đảo trên vịnh Hạ Long và nhiều khu vực lân cận Hà Nội.

Rồi phim nổi tiếng Người tình khởi quay tại Việt Nam vào năm 1986, hoàn thành năm 1990. Phim có nhiều cảnh quay thực hiện tại miền Tây Nam Bộ. Cánh đồng lúa bát ngát, những phiên chợ quê bình dị, nhiều cảnh Phố Sài Gòn, hay nhà cổ ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Chúng ta còn có thể kể phim Người Mỹ trầm lặng có bối cảnh Hà Nội, Sài Gòn, Ninh Bình và Hội An. Áo giáp sắt lấy bối cảnh Huế.

Trong cuốn sách nổi tiếng về du lịch Film Induced Tourism (Điện ảnh khơi nguồn cảm hứng cho du lịch), tác giả Sue Beeton có một thống kế, 5% lượng du khách trên thế giới được gợi cảm hứng từ các bộ phim:

“Nghiên cứu từ New Zealand, Italy và Thụy Điển cho thấy 5% du khách đến các quốc gia này vì một bộ phim hoặc series truyền hình nào đó. Người ta có thể thay đổi thường xuyên kế hoạch du lịch nếu họ biết thêm một địa điểm từng xuất hiện trong phim ảnh”.

Chừng đó cũng đủ nhiều để điện ảnh mà đặc biệt là Hollywood trở thành hấp lực lớn để các quốc gia quảng bá hình ảnh, thu hút sự chú ý từ khán giả ở các phòng vé khắp 5 châu. Điều đó cũng là điều mà du lịch Việt Nam sẽ phải tận dụng, khi chúng ta không thiếu những cảnh sắc thuộc hàng “siêu phẩm” mà thiên nhiên ban tặng.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...