(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, câu chuyện cá chết vẫn nhức nhối trong xã hội. Kẻ “đầu độc” biển miền Trung vẫn chưa lộ diện. Tất cả chúng ta đều nóng lòng muốn biết, chúng là ai, là con người xả thải ra biển hay là tự nhiên trở chứng (hiện tượng thủy triều đỏ).
Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các nhà khoa học vào cuộc nghiên cứu, và các địa phương, các Bộ, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an cung cấp hồ sơ, chứng cứ có liên quan phục vụ cho công tác điều tra.
Những tưởng rằng, nỗi nhức nhối về biển sẽ khiến người ta thay đổi hành vi của mình khi ra biển trong kỳ nghỉ lễ. Nhưng, dường như một bộ phận không nhỏ du khách và người dân vẫn coi biển cả như… hố rác, và đã “đầu độc” biển trong những hành vi thiếu ý thức của chính mình.
Rác tràn ngập các công viên, đường phố, khu du lịch, và đặc biệt là ở một số bãi biển. Những hình ảnh đó gây sốc thực sự trong dư luận về “dư âm” của những ngày nghỉ lễ.
Tình trạng thường thấy ở các khu du lịch trong những ngày nghỉ lễ
Bãi biển Diễn Thành (Nghệ An) như một bãi tập kết rác. Rác thải của du khách và bèo tây từ cửa sông Lạch Trường dạt vào khiến một số khu vực thuộc bãi biển Hải Tiến (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhếch nhác. Tại các bãi biển Quất Lâm (Nam Định), Cồn Vành (Thái Bình), Phan Thiết, tình trạng rác thải ô nhiễm bờ biển sau nghỉ lễ khá trầm trọng. Rác thải "bủa vây" nhà thờ đổ Nam Định bên bờ biển Xương Điền, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu....
Nhìn cảnh du khách chen chúc trên bờ biển ngập rác ở các bãi mà ai cũng phải rùng mình. Người ta ăn nhậu trên đống rác, tắm táp nô đùa trên bãi rác, kinh khủng thay, đó là bãi rác do chính họ góp phần thải ra.
***
Ai bảo biển cả không bị tổn thương vì rác do chính chúng ta thải ra trong những ngày nghỉ lễ vừa qua?
Biển nhạy cảm lắm. Cá, tôm trên biển cũng thế. Các nhà khoa học thế giới đã chứng minh rằng, số rác thải ra trên các đại dương đã vượt quá số cá đang sinh sống trong lòng nó. Còn tính về khối lượng thì “đến năm 2025, cứ mỗi 3 tấn cá trên các đại dương sẽ có gần 1 tấn rác nhựa”.
Nếu như rác thải hữu cơ gây ô nhiễm, thì rác thải công nghiệp như túi ni lông, thùng xốp… có thể giết chết các loài động vật. Nghiên cứu vừa công bố của Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) cho thấy mỗi năm có khoảng 1,5 triệu động vật trên biển chết vì ngộ độc do ăn phải rác nhựa, đồng thời cảnh báo mối nguy hại từ các "đảo rác" hình thành ở các đại dương hay còn được biết đến như “Lục địa thứ bảy".
Trong biển rác ấy, chúng ta bị cho là đã ném vào một khối lượng không nhỏ. Hồi đầu năm 2016, tờ Global Post dẫn báo cáo của Ocean Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ cho hay, Việt Nam là 1 trong 5 nước châu Á xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới.
****
Sự cố cá chết ven biển miền Trung chắc chắn sẽ sớm được giải quyết triệt để với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Nhưng hành vi âm thầm “đầu độc” biển bằng cách xả rác bừa bãi thì vẫn là câu chuyện dài, nếu mỗi người chỉ biết bức xúc về kẻ “đầu độc” giấu mặt, mà không biết nhìn lại hành vi của chính mình.
Nhưng cũng phải ghi nhận “điểm sáng” ở bãi biển Vũng Tàu. Khi kiên quyết cấm ăn nhậu, hàng rong trên bãi biển, thì chúng ta đã có một bãi biển mát lành, dù kín đặc người tắm. Nhưng để làm được điều đó, người ta phải biết hy sinh quyền lợi nhất thời của một nhóm người buôn bán, phải thay đổi thói quen nhậu nhẹt vô lối trên bãi biển, và nhất là thay đổi thói quen bạ đâu vứt rác đấy. Vũng Tàu đã làm được điều này, cho dù trước kỳ nghỉ lễ, việc giải phóng các hàng quán trên bãi biển cũng chẳng phải dễ dàng gì. Nhưng Vũng Tàu làm được, tại sao các địa phương khác không thể làm?
***
Những ai đi tắm biển đều biết, khi chúng ta ném cái gì ra biển, kể cả chôn xuống dưới cát, thì buổi chiều, sóng biển lại đào lên và biển sẽ ném trả lại cho chúng ta.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa