A+ A A- Kiểu đọc sách

Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng

07:00 30/06/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội lại chứng kiến những giờ khắc đau thương. Nơi đây, ngày hôm nay là Lễ tang 9 chiến sĩ trên máy bay CASA-212 hy sinh trên biển ngày 16/6 tại khu vực Đảo Bạch Long Vĩ.

1. Lễ viếng 9 đồng chí được tổ chức từ 7 giờ đến 10 giờ ngày 30 tháng 6. Lễ truy điệu được tổ chức từ 10 giờ và đưa tang vào hồi 11 giờ cùng ngày.

Như vậy, hai tuần lễ sau ngày các anh gặp nạn, thân thể các anh mới lần lượt được đưa trở về đất liền để xác minh danh tính, từng người một. Đến tối ngày hôm qua 29/6 vẫn còn thiếu một người, anh vẫn nằm lại đâu đó trên biển quê hương. Đồng đội vẫn hết lòng tìm kiếm anh, để hoàn thành trách nhiệm trước gia đình, người thân của anh và hơn hết là hoàn thành trách nhiệm trước người lính đã hy sinh vì tổ quốc.

Giữa thời bình, lễ tang tập thể với những vành tang trắng, những mái đầu bạc tiễn đưa mái đầu xanh càng làm chúng ta đau đớn khôn nguôi. Đó không chỉ là nỗi đau khôn xiết của gia đình mỗi người lính mà là sự mất mát quá lớn cho Tổ quốc khi mất đi những người con ưu tú.

Lễ tang 9 chiến sĩ hy sinh vì tai nạn máy bay CASA-212 được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

2. Tôi còn nhớ, chính ở nhà tang lễ của những người lính này, cách đây tròn 2 năm trước, ngày 11/7/2014, đã diễn ra lễ truy điệu 18 người lính hy sinh khi trực thăng Mi-171 gặp nạn ở Hòa Lạc.

Khi lễ viếng các anh diễn ra thì tại Viện Bỏng Quốc gia, 3 đồng đội của các anh cũng trong cơn thập tử nhất sinh giữa ranh giới sự sống và cái chết. Rồi sau đó, 2 đồng đội khác của các anh cũng lần lượt ra đi. Thi thể các anh hầu như cũng không còn vẹn nguyên, cũng phải được xác minh nhận dạng từng người một như các chiến sĩ trên CASA-212 hôm nay.

Tôi còn nhớ, trong phòng viếng, những tiếng nức nở, những giọt nước mắt lăn dài hay những đôi mắt đỏ hoe không làm vơi nỗi đau quá lớn của những người cha, người mẹ, người vợ…

Và nhất là những đứa trẻ thơ ngây, các cháu chưa hiểu thế nào là nỗi mất mát mà chính các cháu đang trải qua. Nhiều người không thể kìm lòng được trước hình ảnh những đứa trẻ thơ ngây, con của các chiến sĩ hy sinh, ngủ ngon trong vòng tay của ông, bà, mẹ mà không hay biết hôm nay là ngày cuối cùng chúng được nhìn thấy gương mặt của bố qua ô kính áo quan.

Tôi còn nhơ, ngày hôm ấy, ánh mắt ai, cả những vị tướng, những sĩ quan dạn dày sương gió đều đỏ hoe hướng lên lư hương nghi ngút khói nơi 18 người lính đang hàng ngũ ngay ngắn nơi niết bàn. Có chiến sĩ hy sinh khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi, người chưa lập gia đình, người có con nhỏ hoặc vợ vừa sinh. Các anh cũng là những trụ cột của gia đình.

3. Lại một lần nữa, chúng ta nhắc nhớ nhau về nỗi đau của đất nước. 4.000 năm lịch sử đất Việt, chúng ta nhìn lại xem có được bao nhiêu năm tháng bình yên. Lịch sử đã yêu cầu người lính phải luôn sẵn sàng chiến đấu và cả hi sinh để Tổ quốc không bao giờ bị bất ngờ. Lịch sử của nước Việt được viết bằng máu của hàng triệu người lính ngã xuống, không chỉ trong thời chiến.

Như câu hát làm thổn thức biết bao trái tim Việt Nam: “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người”, mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã phổ từ bài thơ của nhà thơ mặc áo lính Trần Đăng Khoa. Nhiều người biết, nguyên gốc của câu “Cơn bão chưa ngưng trong tâm hồn biết bao người” thực ra là: “Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng”. Hôm nay, lại có rất nhiều vành tang trắng đưa tiễn những người lính.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...