loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Đơn vị bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan đã và đang làm gì để bảo vệ các tác giả, tác phẩm khi những vụ “đạo” nhạc xảy ra?
1. Trong buổi hội thảo Tăng cường bảo hộ quyền tác giả quyền liên quan trong lĩnh vực âm nhạc vừa diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội, dường như các nhạc sĩ vẫn bức xúc với những thắc mắc như: “Tôi lấy làm lạ là tại sao nhiều ca khúc của mình tràn ngập trên mạng mà mình không hề biết? Cũng không hiểu tại sao trong những chương trình nghệ thuật được nói là phục vụ nhiệm vụ chính trị người ta không trả tiền cho nhạc sĩ sáng tác trong khi từ ca sĩ đến anh thợ kéo dây điện cũng vẫn có thù lao? Là nhạc sĩ tôi cảm thấy rất uất ức” – nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết.
Còn nhạc sĩ Đoàn Bổng thì “căng thẳng hơn: “Nếu không có nhạc sĩ, ca sĩ lên sân khấu há mồm rồi đi xuống, nhạc công muốn đánh bài gì cũng không có nốt nhạc. Tôi còn nhớ ca khúc Hạ Long, những giây phút thần tiên của mình được biểu diễn trong chương trình Carnaval Hạ Long mà không xin phép. Nhưng tôi biết đi kiện ai?”.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh uất ức vì ca khúc của ông bị “xài chùa”
Với những tổ chức bảo vệ tập thể quyền tác giả như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc (Trung tâm) hay Hiệp hội Ghi âm Việt Nam thì việc đi “đòi thuê” cũng gian nan không kém. Đại diện cho Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (RIAV), ông Trần Chiến Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết hiện Hiệp hội không chỉ là đại diện cho các công ty sản xuất băng đĩa mà còn phải quản lý đến cả các phòng thu. Mà phòng thu bây giờ thậm chí không cần sản xuất đĩa mà đăng tải luôn lên mạng – đây chính là lỗ hổng mà chưa có quy định nào xử lý.
2. Tuy nhiên, trong khi các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan lên tiếng về những khó khăn trong việc bảo hộ quyền tác giả thì chính các tác giả - nhạc sĩ lại vắng mặt trong cuộc hội thảo này. Điều đó liên tưởng đến nạn “đạo nhạc” đang diễn ra phổ biến hiện nay có lẽ cũng là bởi “có trộm mà không thấy nạn nhân”. Điều đó phải chăng là ở vấn đề nhận thức của các nhạc sĩ? Họ không chỉ “gánh lấy” thiệt hại cho bản thân mà còn gây trở ngại cho những đơn vị bảo vệ họ? Và họ chỉ lên tiếng khi quyền lợi bị “động chạm”?
Giải pháp đưa ra là cần có chế tài rõ ràng, phạt thật nặng và phải có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa tác giả - đơn vị đại diện quyền tác giả và đơn vị sử dụng. Song, như bài tham luận của nhạc sĩ Phó Đức Phương thì “Có thể nói các cơ quan chức năng vẫn đang khước từ việc thực hiện nghiêm túc những quy định luật pháp vào trong các hoạt động kinh doanh văn hóa nói trên” thì liệu những giải pháp đưa ra có thực thi?
Lam Anh
Thể thao & Văn hóa
loading...