Diễn đàn văn hóa: "Giảm tải" cho phố cổ
Một thông tin đáng chú ý với người dân Thủ đô: Ít ngày trước, quận Hoàn Kiếm đã đề xuất thành phố quy định hạn chế xe ô tô vào phố cổ Hà Nội, đồng thời hạn chế xe buýt đi vào các trục xuyên tâm.
Thông tin trên được đưa ra trong buổi tiếp xúc giữa cử tri và lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cũng như Hà Nội. Trước đó, từ phía người dân tại phố cổ, đã có ý kiến đề nghị thành phố bố trí quỹ đất ngoài đê sông Hồng hoặc một số nơi khác để làm bãi đỗ xe máy, ô tô - đồng thời bố trí xe bus nhỏ hoạt động giờ cao điểm để đưa đón khách gửi xe và giảm mật độ giao thông tại khu vực này.
Không khó hiểu về ý kiến này, cũng như về đề xuất hạn chế ô tô vào phố cổ của quận Hoàn Kiếm. Với kích thước khá nhỏ của các trục đường trong khu "36 phố phường", việc ô tô - ở mọi kích cỡ - lưu thông và dừng đỗ luôn tiềm ẩn khả năng gây ùn tắc giao thông, nhất là trong một cụm không gian vốn có mật độ dân cư thuộc loại cao nhất thành phố.
Thực tế, vài năm qua đã có không ít lời than phiền của người dân - cũng như những lần xử phạt của các cơ quan chức năng - về việc xe ô tô chở khách du lịch cỡ lớn tự ý dừng đỗ sai quy định trong phố cổ và gây ảnh hưởng lớn tới mọi hoạt động tại đây.
***
Nhìn lại, với cấu trúc bàn cờ, vỉa hè không rộng và khá nhiều di sản kiến trúc cũng như cửa hàng truyền thống, phố cổ Hà Nội từ lâu đã được coi là không gian phù hợp với du lịch khám phá, cũng như các hoạt động thương mại quy mô nhỏ.
Và, khi xu thế hạn chế phương tiện cá nhân đang được đề cao tại các đô thị hiện đại, không gian phố cổ vẫn thường xuyên được nhắc tới như trường hợp đầu tiên cần được ưu tiên cho điều này. Đó cũng là lý do khiến khu phố cổ là nơi đầu tiên thí điểm hình thành phố đi bộ vào năm 2004 (phố Hàng Ngang, Hàng Đào) - để rồi sau 20 năm, các tuyến phố đi bộ ngày càng được mở rộng và chiếm một phần lớn trong khu vực "lõi" tại đây.
Đặt trong bối cảnh ấy, đề xuất hạn chế (thay vì cấm) ô tô vào phố cổ Hà Nội có thể coi là một giải pháp tương đối hợp lý. Tất nhiên, nó cần được áp dụng với những tính toán kỹ về quãng thời gian hạn chế (thường là giờ cao điểm), các tuyến đường (không phải là những trục chính quan trọng) - và đặc biệt là những điều chỉnh đồng bộ về việc tăng cường điểm đỗ và các tuyến xe bus tới ngoại vi phố cổ, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận của người dân và du khách tới các điểm nút này.
Và, cũng đừng quên, giải pháp ấy cần được nhìn nhận và đặt trong một lộ trình dài, để tiến tới hạn chế giao thông cơ giới và sử dụng phương tiện cá nhân tại khu phố cổ, từ đó đưa không gian này thật sự được ưu tiên cho người đi bộ như mong muốn.