Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 có chủ đề mới
Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2023, Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) tiếp tục là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tập trung thảo luận, chia sẻ các quan điểm chuyên sâu và toàn diện về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển nền kinh tế thể thao tại Việt Nam với mục tiêu tìm kiếm những giải pháp để phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững. Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam 2024 do Công ty Vietcontent khởi xướng ý tưởng và tổ chức với sự đồng hành của Cục TDTT thuộc Bộ VH, TT&DL và Ủy ban Olympic Việt Nam.
Diễn ra ngày 17/10/2024 tại khách sạn Melia, Hà Nội, trong lần thứ 2 tổ chức, Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024 (Vietnam Sport Economic Forum 2024) có 3 phiên thảo luận chính, tập trung vào những vấn đề cốt lõi của ngành thể thao gồm "Mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, các hội thể thao quốc gia và các nhà tổ chức", "Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn", "Khai thác giá trị thương mại của các giải đấu thể thao".
Từ những phiên thảo luận này với những lát cắt quan trọng, BTC kỳ vọng sẽ tìm kiếm những giải pháp để góp phần phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.
Sau thành công của Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2023 từng nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ của các Bộ, ngành liên quan, quy tụ những quan điểm, ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ các cơ quan tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến quản lý và phát triển kinh tế thể thao Việt Nam, trên tinh thần đó, bằng kinh phí từ nguồn xã hội hóa, Cục TDTT, Ủy ban Olympic Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Công ty Vietcontent tiếp tục tổ chức Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024.
Diễn đàn Kinh tế thể thao được tổ chức thường niên để các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, các hội thể thao quốc gia và cá nhân hoạt động, nghiên cứu, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ về các vấn đề lớn liên quan đến quan điểm, cách thức quản lý, vận hành, khai thác nguồn lực kinh tế từ các hoạt động, sự kiện thể thao.
Những ý kiến tại Diễn đàn sẽ được BTC ghi nhận và làm cơ sở cho việc đề xuất các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế thể thao của Việt Nam; đồng thời cũng là những gợi mở quan trọng đối với công tác quản lý ngành và giúp cho các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tham gia vào thị trường kinh tế thể thao của Việt Nam trong thời gian tới.
Diễn đàn dự kiến thành phần có 200 khách tham dự, với khoảng trên 20 khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, đại diện các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao quốc gia, đơn vị tổ chức giải thể thao chuyên nghiệp và phong trào, các đơn vị đài truyền hình và công ty hoạt động trong lĩnh vực bản quyền thể thao, kinh doanh trong lĩnh vực thể thao. Với chủ đề "Phát huy tiềm năng của Kinh tế thể thao trong thời kỳ mới", Diễn đàn đã có 03 phiên thảo luận sôi nổi.
Phiên thảo luận 01 có chủ đề "Tạo lập môi trường pháp lý để phát triển kinh tế thể thao", nhằm giúp đánh giá môi trường pháp lý hiện nay, những thuận lợi, khó khăn của các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động TDTT để tiến tới đề xuất kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thể thao; phát huy tối đa của khu vực ngoài công lập trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của TDTT theo tinh thần Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 31/01/2024.
Các nội dung chính được thảo luận bao gồm các vấn đề pháp lý xung quanh việc quản lý, tổ chức các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế (cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan); vai trò của các hội thể thao quốc gia đối với hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp và thể thao phong trào; chính sách quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng thể thao nhằm phát huy nguồn lực tại chỗ và khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao phát triển.
Phiên thảo luận 02 đề cập tới "Tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai". Hiện nay, các sự kiện thể thao quy mô lớn tiếp tục được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới và đã minh chứng đem lại nhiều nguồn lợi từ hoạt động này. Tuy nhiên, để tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro, thông qua phiên thảo luận này giúp các địa phương, đơn vị đăng cai nhận thức, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lên kế hoạch chi tiết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng như thế nào giúp tìm ra những hướng đi phù hợp, hiệu quả cho địa phương, đơn vị mình. Các nội dung chính được thảo luận bao gồm vị thế chủ nhà - lợi ích và thách thức; làm thế nào để đăng cai một sự kiện thể thao lớn; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quyết định đăng cai một sự kiện thể thao lớn (nhận thức, chính sách, sự ủng hộ...); lợi ích thương mại lâu dài từ việc phát triển thương hiệu địa phương thông qua các hoạt động, sự kiện thể thao.
Phiên thảo luận 03 và cũng là cuối cùng hướng đến "Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao". Việc tổ chức một giải đấu thể thao mang lại nhiều lợi ích đa dạng, không chỉ cho các vận động viên và người hâm mộ mà còn cho cả cộng đồng và nền kinh tế. Qua phiên thảo luận này, các hội, các đơn vị, tổ chức liên quan hiểu và khai thác giá trị thương mại từ một giải thi đấu thể thao như thế nào cho đạt hiệu quả cao nhất. Các nội dung chính được thảo luận bao gồm sự tham gia và tiêu dùng của người hâm mộ thông qua giải đấu; cách tiếp cận, các điều kiện cần và đủ, lợi ích đem lại từ quyền phát sóng và dịch vụ trực tuyến; những bài học từ UEFA Champions League, giải bóng đá cấp CLB lớn nhất thế giới.