Điện báo viên: Người chiến sĩ thông tấn thầm lặng trên chiến trường
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi viết bài này kể về hoạt động của các điện báo viên - người chiến sĩ thầm lặng luôn rong ruổi khắp các chiến trường, luôn đồng hành với các phóng viên để thu phát những bản tin… Thế hệ trẻ ngày nay ở TTXVN nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung có thể khó hình dung về công việc của điện báo viên, nhưng đó là sự thật!
1. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) - nay là TTXVN - đã cử hàng trăm phóng viên (PV) và điện báo viên vào các chiến trường. Riêng ở chiến trường khu V, ngay từ khi nổ ra cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (28/8/1959), dù lúc bấy giờ chưa thành lập Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) khu V nhưng phóng viên Võ Thế Ái của VNTTX đã được cử về Quảng Ngãi viết tin, bài gửi ra Hà Nội về cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi đầu tiên ở miền Nam này.
Ngày 20 tháng 12 năm 1960, TTXGP khu V chính thức được thành lập trực thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ Khu V. Những năm đầu, lực lượng lãnh đạo, phóng viên, điện báo viên rất ít, Đài minh ngữ - TTXGP khu V, cơ quan Thông tấn xã của Khu ủy và của Mặt trận dân tộc Giải phóng Trung Trung bộ - được thành lập với hô hiệu GPX (Giải phóng xã). Đài Minh ngữ có nhiệm vụ thu phát tin, bài của phóng viên từ các chiến trường gửi ra Tổng xã (VNTTX) tại Hà Nội, phát vào TTXGP miền Nam để đăng, phát trên các báo Trung ương, phát trên Đài Tiếng nói việt Nam, Đài phát thành giải phóng và phát đối ngoại… đồng thời hàng ngày thu tài liệu tham khảo phục vụ các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Khu V. Mục tiêu của Đài là thu phát tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo và phong trào cách mạng trong Khu V.
2. Năm 1971, thời điểm rất ác liệt trong cuộc kháng chiến, 16 tuổi, tôi thoát ly từ vùng giải phóng huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi lên làm liên lạc ở Ban Tuyên huấn tỉnh Quảng Ngãi. Lãnh đạo Ban tuyên huấn tỉnh thấy tôi "có trình độ học vấn" (lúc đó tôi mới học đến lớp đệ lục - tương đương với lớp 7 hiện nay), gia đình có truyền thống cách mạng nên đầu năm1972 tôi được chọn đi học lớp điện viên tại Đài Minh ngữ khu V.
Giữa năm 1973, học xong, tôi được giữ lại công tác tại Đài minh ngữ -TTXGP Khu V, đơn vị chuyên thu, phát tin, bài của các phóng viên từ các tỉnh gửi về, sau khi nhận tin chuyển ngay tin bài cho lãnh đạo TTXGP Khu V biên tập, duyệt xong chuyển lại cho Đài Minh ngữ phát tiếp về Tổng xã tại Hà Nội.
Thời bấy giờ tại các chiến trường, các điện báo viên chúng tôi đều sử dụng máy phát vô tuyến điện 15W (phát tín hiệu mã morse). Ngoài điện báo viên mỗi đài có một nhân viên phụ việc quay ragono để phát điện cung cấp cho máy phát. Phát bằng tín hiệu mã morse hết một bản tin khoảng 300- 400 chữ phải mất 25-30 phút, tùy thời tiết tốt xấu. Mỗi tổ điện báo viên có từ 1- 2 máy phát, máy thu, ăngten, máy ragono, súng đạn, lương thực, thực phẩm, đồ dùng cá nhân đầy đủ, sẵn sàng dựng máy để phát tin bài và sẵn sàng chiến đấu với địch bất cứ lúc nào.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh chị em phóng viên, điện báo viên từ Hà Nội vào cũng như từ thanh niên các tỉnh đồng bằng thoát ly lên công tác tại cơ quan TTXGP Khu V hầu hết trẻ trung, đầy nhiệt huyết, hăng hái xông pha trên khắp các chiến trường, không sợ hy sinh, không ngại gian khó. Tuy mới vào chiến trường, nhưng khi được phân công đi về các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa hay tỉnh Gia Lai, Đắk Lăk phải đi bộ ít nhất từ 25 - 30 ngày vượt qua bao hiểm nguy mới đến các cơ quan Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ nhưng anh chị em không ngại ngần.
Về đến các địa phương, các anh chị lăn lộn với các đơn vị bộ đội, với cán bộ, du kích xã, đến từng trận địa để chiến đấu và ghi lại bằng tin, bài, bằng ảnh về những chiến công vang dội của các đơn vị, những tấm gương tiêu biểu trong cuộc chiến đấu, những tấm lòng của các mẹ, các chị hết lòng nuôi dưỡng, chăm lo cho bộ đội Cụ Hồ như con em ruột thịt của mình. Những bản tin, những bài ghi nhanh của phóng viên đều được các điện báo viên tại các tỉnh chuyển cấp tốc hàng ngày, hàng giờ về TTXGP khu V để chuyển phát tiếp ra Hà Nội phát cho các báo, đài Trung ương.
Khi tin bài vừa phát xong buổi sáng đến trưa hoặc chiều cùng ngày đã nghe đọc trên Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây là sự động viên rất lớn cho anh chị em phóng viên, điện báo viên chúng tôi và những đơn vị bộ đội trực tiếp đánh địch, cũng như cán bộ, nhân dân tại các địa phương.
Trong chiến tranh, đơn vị Đài Minh ngữ và các đơn vị thông tin của quân đội là các đơn vị sử dụng máy vô tuyến điện dễ bị địch dò sóng, phát hiện nơi phát tín hiệu, bọn Mỹ sẽ ném bom ngay tọa độ có sóng. Nhưng bất chấp hiểm nguy, các điện báo viên luôn có mặt, sát cánh cùng các phóng viên để kịp thời phát tin, bài về Tổng xã. Thường là sau một trận đánh, các phóng viên nhanh chóng viết ngay tin bài rồi chuyển cho điện báo viên, nếu phóng viên ở xa thì chuyển qua đường giao liên chạy hỏa tốc về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy - nới có điện báo viên của tỉnh để phát tin bài về Khu.
Chính vì thế, những tin, bài về tin chiến thắng trong các trận chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường (Quảng Ngãi), Núi Thành (Quảng Nam), Đèo Nhông, An Lão (Bình Định) năm 1965, Tổng tấn công nổi dậy Mậu Thân 1968, chiến dịch Xuân - Hè 1972, trận mở màn chiến dịch Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột (Đăk Lắk) đến khi giải phóng các tỉnh trong khu vực tháng 3, tháng 4 năm 1975...và những chiến công vang dội khác của các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích tại các tỉnh đều được phóng viên Thông tấn xã đưa tin rất kịp thời cho các báo, đài sử dụng, làm nức lòng quân dân cả nước.
Trong thời chiến, các điện báo viên tại Cục Kỹ thuật- nay là Trung tâm kỹ thuật thông tấn - TTXVN tại Tổng xã cũng hết mình với điện báo viên tại chiến trường TTXGP khu V. Các anh chị ngoài đó biết rằng, trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn, khó khăn trăm bề, chúng tôi thường xuyên bị sốt rét, ốm đau liên miên nên nhiều khi tay yếu phát tín hiệu không chuẩn. Những khi thời tiết xấu thì người nhận tín hiệu càng khổ sở thêm. Nhưng các anh chị ở Tổng xã không một lời kêu ca mà động viên chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
- Chùm ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Thông tấn xã Việt Nam
- Thông tấn xã Việt Nam - 75 năm đồng hành cùng đất nước
- Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Thông tấn xã Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
3. Trong chiến dịch Tổng tấn công mùa Xuân 1975, TTXGP - Đài Minh ngữ Khu V đã cử hầu hết những phóng viên và điện báo viên trẻ khỏe về các địa phương để đưa tin về cuộc tổng tấn công này.
Ở vùng đất mở đầu cho chiến dịch này là Nam Tây Nguyên (Đăk Lăk), lãnh đạo Đài Minh ngữ đã cử hai điện báo viên giỏi là anh Mai Cường và Nguyễn Hồng Thái với đầy đủ trang thiết bị phục vụ thu phát tin, đi cùng phóng viên Phước Huề. Ngày 10/3/1975, quân ta bắt đầu tấn công Ban Mê Thuột. Khoảng 18 giờ chiều, các anh Cường và Thái đã phát về tin chiến thắng Buôn Ma Thuột do anh Phước Huề viết. Sáng ngày 11/3, anh Phước Huề lại có tin quân ta hoàn toàn làm chủ Chi khu quân sự Buôn Ma Thuột, sức chống cự của quân địch yếu ớt...
Từ những tin, bài của phóng viên VNTTX, các hãng tin phương Tây như AFP, AP, UPI, Reuter... đồng loạt thông tin "Quân cộng sản đã chiếm Buôn Ma Thuột"... Sau trận đầu tại Buôn Ma Thuột, theo yêu cầu của Khu ủy, Đài minh ngữ lại cử tiếp nhiều điện báo viên khác đi theo các mũi tiến công tại các tỉnh thành trong Khu V.
Trong chiến dịch này, tuy không trực tiếp ra chiến trận nhưng tất cả những tin bài chiến thắng tại các tỉnh trong khu V đều được tôi và anh Mai Xuân Thảo, anh Quảng Ái thu - phát suốt ngày đêm. Nhiều ngày liền, từ sáng sớm, chúng tôi lên máy làm phiên CQ (phiên việc trực tuyến để hẹn giờ làm với các đài ở các tỉnh), sau đó cứ theo giờ hẹn làm đến 21- 22 giờ đêm, làm đến khi các tỉnh hết tin bài mới nghỉ.
Làm nhiều nhưng anh em chúng tôi không ai than mệt, vì không có niềm vui nào bằng niềm vui khi mình là những người được biết trước tiên những tin chiến thắng tại các địa phương. Anh em chúng tôi suốt ngày đeo cáp nghe, tay cầm bút viết liên tục hết trang này đến trang khác, rồi ngồi gõ ma-níp phát tin. Hàng nghìn bản tin, bài báo của phóng viên được anh em chúng tôi chuyển tải phục vụ kịp thời cho nhân dân cả nước.
Thông qua các anh chị điện báo viên tại Tổng xã, anh em chúng tôi được biệt hàng ngày tại cổng trụ sở VNTTX số 5 Lý Thường Kiệt - Hà Nội hàng ngày có hàng nghìn người tập trung trước trụ sở cơ quan để chờ xem tin chiến thắng tại các tỉnh miền Nam, niềm vui của chúng tôi, những PV, điện báo viên, được nhân lên gấp bội...
15 năm, từ cuối 1960 - 4/1975, TTXGP và Đài Minh ngữ Khu V hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, riêng Đài Minh ngữ đã được Mặt trận dân tộc giải phóng và Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng thưởng hai Huân chương giải phóng Hạng Nhì và Huân chương giải phóng Hạng Ba. Cùng thời gian trên Đài Minh ngữ có 6 điện báo viên, nhân viên hy sinh và nhiều đồng chí bị thương khi làm nhiệm vụ.
Nguyễn Đăng Lâm